Sign In

Tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến, đề xuất của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân

13:31 24/05/2024

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải gặp gỡ các đại biểu tham dự Hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 24/5, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề: Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và bài học kinh nghiệm qua thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trong năm 2023.

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Ngô Minh Châu, Thành ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM; Trần Hải Yến, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 11.

Quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị

Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Trần Quốc Trung cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, đồng chí Bí thư Thành ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và công dân gửi đến Thành ủy.

Đối với công tác tiếp công dân, xử lý phản ánh, kiến nghị, giải quyết khiếu nại, tố cáo, năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy tiếp tục duy trì nền nếp việc tham dự các hội nghị tiếp xúc với cử tri, tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe các ý kiến đề xuất, hiến kế, phản ánh, kiến nghị nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; tập trung xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Định kỳ tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề với Thường trực Thành ủy Thủ Đức và các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, nhất là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị.

Đồng chí Bí thư Thành ủy và các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy đã tổ chức tiếp 11 cuộc, với 13 lượt cán bộ, đảng viên và công dân. Ban Nội chính Thành ủy tổ chức tiếp 84 cuộc, với 287 lượt cán bộ, đảng viên và công dân; Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tổ chức tiếp 99 cuộc, với 163 lượt cán bộ, đảng viên và công dân; Thường trực và Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HDND TP tổ chức tiếp 86 cuộc, với 445 lượt cán bộ, đảng viên và công dân.

Cùng với đó, các đồng chí Bí thư và Thường trực các quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức tổ chức tiếp 14.043 cuộc, với 35.812 lượt cán bộ, đảng viên và công dân. Các đồng chí Bí thư đảng ủy xã - phường, thị trấn tổ chức tiếp 8.796 cuộc, với 14.053 lượt cán bộ, đảng viên và công dân.

Riêng các cấp chính quyền và sở, ban, ngành TP đã tổ chức tiếp 41.624 cuộc, với 50.438 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; lãnh đạo tổ chức tiếp 6.632 cuộc, với 7.491 lượt công dân.

Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cấp, các ngành TP thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua đó, đã xử lý 45.399/45.624 đơn phải xử lý; trong đó, đơn đủ điều kiện xử lý là 35.056 đơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Trần Quốc Trung cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn tình trạng người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền ở một số địa phương, sở, ban, ngành chưa thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất; có biểu hiện ngại tổ chức tiếp xúc, đối thoại hoặc đối thoại mang tính hình thức, chưa thật sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân; chưa kiên trì đeo bám, đôn đốc các cơ quan chức năng của TP để sớm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Chất lượng công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các cấp còn hạn chế…

Vận dụng chính sách, pháp luật phù hợp, có lợi cho dân

Về bài học kinh nghiệm, đồng chí Trần Quốc Trung cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy thường xuyên tăng cường việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan dân cử, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị và pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó là xem việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân, gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Có quyết tâm chính trị trong tập trung chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc giải quyết các vụ việc tồn đọng, vướng mắc, khiếu kiện đông người, bước đầu mang lại kết quả, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhằm góp phần tạo động lực phát triển TP.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Các đại biểu tham dự Hội nghị

Theo đồng chí Trần Quốc Trung, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan dân cử, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm trong việc chấp hành và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó có công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân.

“Thực tế cho thấy, ở địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào mà người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền,... thực sự quan tâm, sâu sát lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và bản thân nghiêm túc tổ chức tiếp dân, đối thoại với dân, chịu khó lắng nghe, tích cực xem xét xử lý, giải quyết thấu tình, đạt lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, từ khi phát sinh vụ việc, thì sẽ tạo tác dụng nêu gương, tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc nâng cao tinh thần trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ, công vụ, tận tâm phục vụ người dân, doanh nghiệp, từ đó hạn chế để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, góp phần giảm thiểu phát sinh khiếu nại, tố cáo phản ánh, kiến nghị tại địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị” – đồng chí Trần Quốc Trung nhấn mạnh.

Để hạn chế phát sinh tình hình khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền khi xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đô thị, xã hội,... cần tăng cường phát huy dân chủ, chú trọng tổ chức tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến, đề xuất của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; nghiên cứu thấu đáo, toàn diện các mặt, vận dụng chính sách, pháp luật phù hợp, có lợi cho dân; tuân thủ chặt chẽ quy trình phản biện khoa học của đội ngũ chuyên gia, giám sát, phản biện xã hội của cơ quan dân cử, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án phải công khai, minh bạch; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác vận động nhân dân, đi sâu tuyên truyền, giải thích để tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân tham gia giám sát cộng đồng, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định.

S. Hải

Tag:

File đính kèm