Sign In

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong bảo vệ, phát triển rừng

05:36 06/03/2024
Thực hiện Kết luận 61-KL/TW, ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Lê Văn Nưng ký Công văn 1054-CV/TU, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức nghiên cứu, quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện tốt Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch 31-KH/TU, ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chiến lược, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển ngành lâm nghiệp gắn với đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền. Ban Thường vụ Tỉnh ủy khuyến khích biểu dương gương người tốt, việc tốt trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); phê phán công khai các hành vi thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật về lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục, phòng ngừa. Đồng thời, tăng cường giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

 

Ứng dụng thiết bị bay không người lái để giám sát rừng

Các địa phương, ngành chức năng tiếp tục rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. HĐND, UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo quản lý hiệu quả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; chính sách đặc thù để thu hút, giữ chân người lao động làm việc trong ngành lâm nghiệp, trong đó ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng cây lâm nghiệp phân tán.

Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch, định hướng phát triển lâm nghiệp của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh hiện trạng các loại rừng phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, căn cứ khoa học về quản lý các hệ sinh thái rừng, thực trạng quản lý rừng và đất rừng trên địa bàn An Giang; theo dõi diễn biến rừng hàng năm, kiểm kê rừng theo quy định và xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng.

Các ngành, địa phương quan tâm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, người làm nghề rừng; triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon và phát triển nhanh thị trường tín chỉ carbon rừng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với mục tiêu quốc phòng - an ninh, bảo đảm ổn định dân cư, tránh tình trạng dân di cư tự do, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát các khu vực trọng điểm, khu vực giáp ranh; phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật; thực hiện hiệu quả công tác PCCCR.

Các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý việc sử dụng đất rừng sai mục đích; đất lâm nghiệp bị chồng lấn, tranh chấp, lấn chiếm; các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng; kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác, đảm bảo đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng quyền nhận khoán rừng. Cùng với đó, vận động Nhân dân trồng cây lâm nghiệp phân tán tại các nơi đất trống, trong vườn, bờ kênh, trụ sở, trường học... để chắn sóng, chắn gió và hạn chế dòng chảy, sạt lở đất các tuyến đê, đường giao thông.

UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính; thu hút, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành lâm nghiệp, lực lượng phối hợp bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đội ngũ làm công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về lâm nghiệp và phát triển thị trường; duy trì và mở rộng hợp tác song phương, đặc biệt là với các tỉnh của Vương quốc Campuchia có chung đường biên giới, nhằm tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng, chống buôn bán lâm sản, động vật hoang dã bất hợp pháp qua biên giới. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ nước ngoài (vốn ODA, vay ưu đãi và hỗ trợ quốc tế...).

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được giao chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị hướng dẫn việc quán triệt, tuyên truyền đến tất cả cán bộ, đảng viên và Nhân dân; chỉ đạo các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông tuyên truyền sâu rộng nội dung Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư và Công văn 1054-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 

HOÀNG XUÂN

Tag:

File đính kèm