Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đồng chủ trì.
Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.
|
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn. |
Năm 2023, ngành Nội chính Đảng và các Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra; góp phần đẩy mạnh công tác PCTNTC, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố niềm tin của Nhân dân.
Ban Nội chính Trung ương đã nghiên cứu, xây dựng, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư 07 Đề án lớn về nội chính, PCTNTC và CCTP. Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cho cấp ủy xây dựng, ban hành 2.758 văn bản cụ thể hóa, thể chế các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác Nội chính, PCTNTC và CCTP; phối hợp với UBKT cùng cấp thực hiện 216 cuộc kiểm tra, giám sát và trực tiếp triển khai 312 cuộc kiểm tra, giám sát; tham mưu, rà soát 7.527 kết luận thanh tra kinh tế - xã hội; chủ trì, phối hợp giúp đồng chí bí thư cấp ủy tổ chức 881 cuộc tiếp, đối thoại với 4.700 lượt công dân; tiếp nhận, tham mưu xử lý 54.795 đơn, thư phản ánh, khiếu nại tố cáo; phát hiện, tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo xử lý 580 vấn đề phức tạp, nổi cộm về an ninh trật tự; 780 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực…
Toàn ngành Nội chính đã tập trung tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, góp phần tạo bước tiến mới, đột phá trong công tác PCTNTC cả ở Trung ương và địa phương.
Các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát; chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kiểm tra các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chức năng Trung ương; đã đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo; các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng… nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng, kéo dài đã được chỉ đạo xử lý…
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của một số Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chưa thực sự nền nếp, bài bản; có lúc, có nơi chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc và thực hiện các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương. Tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được khắc phục có hiệu quả…
Dịp này, ngành Nội chính và các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa ra 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để triển khai, thực hiện trong năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương ghi nhận sự nỗ lực, kết quả ngành Nội chính cũng như các Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.
Về nhiệm vụ năm 2024, đồng chí đề nghị Ban Nội chính Trung ương, các địa phương, Ban Chỉ đạo PCTNTC các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, phân tích đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan của các vi phạm trong nhiệm kỳ này để có giải pháp khắc phục tốt hơn. Coi chủ động phòng ngừa vi phạm là giải pháp căn cơ, trong đó phải tham mưu xây dựng khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, xây dựng hệ thống quy định, quy chế, quy trình của Đảng chặt chẽ, đảm bảo cho việc xử lý vi phạm nghiêm minh, nhưng cũng đảm bảo cho cán bộ yên tâm công tác, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cấp ủy các cấp cần coi trọng việc tự soi, tự sửa, tự rèn luyện trong cán bộ, đảng viên. Người có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh về yêu cầu về công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng là phương hướng của công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới: Đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá với phương châm kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng; phối hợp, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân; thực hiện đồng bộ biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự, coi phòng chống tham nhũng tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.../.