Sign In

Trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong lãnh đạo triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024

00:00 01/04/2024
Sáng 12/3, Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức Hội nghị triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024, 2025 về “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo, hành động quyết liệt thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra”. Trong đó phân tích kỹ nội dung vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt trong công tác cán bộ của Đảng; xác định nhiệm vụ, giải pháp hành động trong thời gian tới đảm bảo phù hợp với địa phương, đơn vị. Để làm rõ hơn trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong lãnh đạo triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024, 2025, Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh đã phỏng vấn đồng chí Trần Thị Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Quang cảnh Hội nghị triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024, 2025.

 

BBT: Xin đồng chí cho biết, tại sao Ban Thường vụ Tỉnh ủy lại lựa chọn chủ đề “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo, hành động quyết liệt thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra” là nội dung chuyên đề năm 2024, 2025 để học tập và triển khai thực hiện trong toàn tỉnh?

Đồng chí Trần Thị Lộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau di sản tinh thần vô giá, đó là Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng và tấm gương về nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, hành động quyết liệt là bộ phận cơ bản cấu thành của tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta phát huy, vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo Nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức làm nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ chế độ XHCN.

Trước tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy, thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc chưa khoa học, chưa nêu gương, việc xây dựng và triển khai thực hiện chuyên đề năm 2024-2025 có tính thời sự và ý nghĩa thiết thực nhằm khắc phục những hạn chế và phát huy hơn nữa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh hoạt sáng tạo, hành động quyết liệt vì lợi ích chung, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra, tiến tới chào mừng đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

BBT: Để thực hiện có hiệu quả chuyên đề này, theo đồng chí cần triển khai các bước như thế nào?

Đồng chí Trần Thị Lộc: Ban Thường vụ tỉnh ủy đã chỉ đạo biên soạn nội dung chuyên đề năm 2024, 2025 và tổ chức học tập kỹ lưỡng. Không phải học một lần mà phải học thường xuyên, liên tục nhất là đối với nội dung còn nhiều yếu điểm hạn chế, để qua đó mỗi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên thấm nhuần được tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm, suốt đời phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân.

BBT: Chuyên đề năm 2024, 2025 bao gồm nội dung nào?

Đồng chí Trần Thị Lộc: Chuyên đề năm 2024, 2025, gồm 3 phần: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh hoạt sáng tạo, hành động quyết liệt; vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh hoạt sáng tạo, hành động quyết liệt của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo; giải pháp về tinh thần trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu.

Học tập, nghiên cứu chuyên đề sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn nội dung cốt lõi về nêu cao tinh thần trách nhiệm, linh hoạt sáng tạo, hành động quyết liệt trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và tích cực lan tỏa tích cực khát vọng phát triển, không ngừng rèn luyện phương pháp làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả, tự học tập, nâng cao trình độ. Các cấp ủy cơ quan, đơn vị tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức công vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện chế độ, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm..

BBT: Vậy các giải pháp cốt lõi cần tổ chức thực hiện trong thời gian tới là gì?

Đồng chí Trần Thị Lộc:

* Đối với cấp ủy các cấp

– Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu khơi dậy mạnh mẽ về tinh thần trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khắc phục các hạn chế, khuyết điểm hiện nay; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

– Chủ động rà soát các hạn chế để chỉ đạo, giao việc bằng mục tiêu và tiến độ cụ thể sát với các chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết XII của Đảng bộ tỉnh gắn với mục tiêu đã đề ra và gắn với Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg, ngày 03/11/2023.

– Quyết liệt trong lãnh đạo, nắm thông tin thường xuyên, đôn đốc, phát hiện điểm mới, sáng tạo, đánh giá hiệu quả, lan tỏa những điểm mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị.

– Chỉ đạo gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2024, 2025 của tỉnh với việc triển khai các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới các việc làm, các công trình điển hình để chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2025-2030.

– Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu để phát huy vai trò trách nhiệm, sứ mệnh của từng cán bộ, đảng viên; nhất là vai trò dẫn dắt, kiến tạo phát triển của cán bộ chủ chốt đối với cán bộ, đảng viên, quần chúng.

– Hoàn thiện các văn bản quy định về tinh thần trách nnhiệm của cán bộ, đảng viên, về chuẩn mực đạo đức, văn hóa công sở trong giai đoạn hiện nay; chế độ, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; các văn bản liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ và công tác cán bộ nói chung. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung các quy định, chính sách đảm bảo thu nhập và đời sống để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chuyên tâm công tác, nâng cao hiệu quả làm việc vì lợi ích chung.

– Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, đảm bảo chặt chẽ, công tâm, khách quan. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật, pháp luật.

– Định kỳ sơ kết, tổng kết, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo có hiệu quả; kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hóa thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp sáng tạo. Biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao.

* Đối với chính quyền các cấp

– Xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng khi cán bộ đề xuất; quan tâm, hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện nhiệm vụ.

– Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất mới, sáng tạo để chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh; kịp thời động viện, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế.

– Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm. Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp.

– Tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Làm tốt công tác phát hiện nhân tố, tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại cán bộ hằng năm,…

– Kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu; kiên quyết kiểm điểm, nhắc nhở đối với tổ chức, cá nhân chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu quyết liệt trong hành động không vì lợi ích chung.

* Đối với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tỉnh

– Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

– Tăng cường vai trò giám sát, đánh giá của các tổ chức xã hội và Nhân dân về tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

– Tích cực tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân về chuyên đề năm 2024, 2025 góp phần thay đổi nếp nghĩ, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất và đời sống tinh thần của Nhân dân.

* Đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu

– Về nhận thức: Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần xác định rõ trách nhiệm của bản thân với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân; luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên, lên trước hết. Làm việc đến nơi đến chốn, không qua loa, đại khái; không ngại khó, ngại khổ, né tránh, đùn đẩy; nói đi đôi với làm; nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình, có khuyết điểm thì lập tức phải sửa chữa.

– Về chính trị, tư tưởng: Nắm vững, thực hiện nghiêm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, truyền thống, văn hóa tốt đẹp của dân tộc; thực hành nêu gương, nhất là người đứng đầu. Đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

– Về đạo đức: Thực hiện “Trung với nước, hiếu với dân”, phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc; rèn luyện đức tính có gan nói, có gan phụ trách, có gan làm việc, có gan tự phê bình, có gan sửa chữa khuyết điểm; rèn luyện đức tính “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”.

– Về hành động:

Tự mình phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Thực hiện bằng những mục tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp với kế hoạch của cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi cán bộ, đảng viên phải lan tỏa tích cực khát vọng phát triển.

Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị. Đặc biệt là kiến thức, tri thức nhân loại, tiến bộ về khoa học và công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Rèn luyện phong cách làm việc dân chủ, quần chúng, năng động, sáng tạo và nêu gương; phương pháp làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, sâu sát quần chúng và tinh thần phục vụ Nhân dân như Bác dạy “Dĩ công vi thượng”; gắn lý luận với thực tiễn, có biện pháp giải quyết thấu đáo, năng động, sáng tạo “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

BBT: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Tag:

File đính kèm