Sign In

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 5 năm 2024

10:45 17/05/2024
Sáng ngày 16/5/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị Báo cáo viên tháng 5/2024 theo hình thức trực tuyến kết nối với điểm cầu Trung ương.

Tại điểm cầu của tỉnh đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Báo cáo viên cấp tỉnh;  Các đồng chí Báo cáo viên các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Đại diện Lãnh đạo các cơ quan Trung ương, đơn vị bộ đội trên địa bàn tỉnh; Đại diện Lãnh đạo Công an tỉnh; Lãnh đạo và cán bộ phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; phòng Cảnh sát giao thông; phòng Tham mưu; phòng công tác Đảng và công tác chính trị, Đảng ủy Công an tỉnh; Đại diện Lãnh đạo Sở Giao thông – Vận tải; Lãnh đạo và cán bộ phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Ban An toàn giao thông; Ban quản lý dự án xây dựng, Sở Giao thông – Vận tải;  Lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp; Lãnh đạo các hội đặc thù của tỉnh; Các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại Bắc Ninh: Báo Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam; Báo Xây dựng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Ban Giám hiệu, Trưởng các khoa, phòng Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ; Các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo các huyện uỷ, thị ủy, thành uỷ, ĐUTT; Lãnh đạo, giảng viên Trung tâm Chính trị các huyện, thị xã, thành phố; Các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an thông tin chuyên đề: Những nội dung quan trọng của Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và 05 dự án Luật do Bộ Công an chủ trì, tham mưu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Cụ thể như sau:

* Về những nội dung quan trọng của Luật Căn cước

Ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Luật Căn cước năm 2023 có 07 chương, 46 điều và có 13 nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Căn cước công dân năm 2014 như sau: Một là, về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Hai là, về giải thích từ ngữ; Ba là, về nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; quyền và nghĩa vụ của người dân về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước; hành vi bị nghiêm cấm cơ bản được giữ như quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014 và bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền của người dân liên quan đến căn cước điện tử… cho đầy đủ, chặt chẽ; Bốn là, về việc tích hợp thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; Năm là, việc sửa đổi, bổ sung thông tin trên thẻ Căn cước; Sáu là, về cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi; Bảy là, về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; Tám là, về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước; Chín là, về việc cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước; Mười là, về cấp, quản lý căn cước điện tử; Mười một là, về khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ để xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; Mười hai là, về trách nhiệm của Bộ Công an, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử; Mười ba là, về các quy định chuyển tiếp.

* Về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Ngày 28/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Về nội dung của Luật, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có 07 nội dung cơ bản, cụ thể như sau: Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Thứ hai, về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Thứ ba, về tiêu chuẩn tuyển chọn; Thứ tư, về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Thứ năm, về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Thứ sáu, về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng; Thứ bảy, về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

* Các dự án Luật trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, gồm 5 dự án Luật là (1). Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (2). Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; (3). Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); (4). Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); (5). Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe đồng chí Nguyễn Danh Huy,
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải thông tin chuyên đề: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo tinh thần Kết luận số 72-KL/TW, ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị, với những nội dung sau:

Triển khai Luật Quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải là một trong các bộ ngành đầu tiên hoàn thiện 5/37 quy hoạch ngành quốc gia. Quan điểm chỉ đạo khi xây dựng các quy hoạch đã bám sát và cụ thể hoá đúng với các định hướng, mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đặt ra trong Văn kiện đại hội đảng lần thứ XIII và Nghị quyết 13 của Đảng, phù hợp với định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị. Cụ thể gồm 5 quan điểm:

Một là, kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững;

Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn giao thông, kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải và kết nối quốc tế, phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải, phát triển vận tải đa phương thức và logistics;

Ba là, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được quy hoạch đảm bảo cân đối hài hòa về địa lý, dân số và quy mô kinh tế, nhu cầu phát triển vùng, miền. Đối với các hành lang vận tải chính, kết cấu hạ tầng các phương thức vận tải phải đảm bảo hài hòa với vai trò, chức năng, lợi thế của từng phương thức. Tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính;

Bốn là, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, kêu gọi tối đa nguồn lực tư nhân đầu tư, ưu tiên nguồn lực nhà nước đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Năm là, chủ động tiếp cận, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng, quản lý, khai thác nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đây cũng là lần đầu tiên cả 5 quy hoạch chuyên ngành lĩnh vực giao thông vận tải được lập đồng thời theo hướng tích hợp, có căn cứ khoa học từ dữ liệu thống kê, điều tra khảo sát, nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, có nghiên cứu đánh giá để lựa chọn kịch bản phát triển phù hợp với khả năng nguồn lực, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế;…

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng công tác tuyên truyền thời gian tới và kết luận Hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Về định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nội dung 2 chuyên đề tại hội nghị. Đồng thời, tập trung tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, của tỉnh; tuyên truyền kết quả Hội nghị Trung ương 9 khoá XIII; tuyên truyền 24 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII; tuyên truyền chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững”; tuyên truyền kết quả 01 năm thực hiện Nghị quyết số 87-NQ/TU, ngày 15/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông"; tuyên truyền về an ninh – quốc phòng; văn hóa – xã hội; giáo dục – đào tạo; tuyên truyền “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024”; tuyên truyền về phát động hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX, năm 2024; tuyên truyền tình hình thế giới và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước… và tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh.

 

Nguyễn Thị Hà, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

Tag:

File đính kèm