Sign In

Điều chỉnh giảm mức thu phí công đoàn phù hợp để thu hút đoàn viên

19:24 08/06/2024

Trong phiên thảo luận tại Tổ 13, chiều 8-6, góp ý kiến vào Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) tán thành sự cần thiết ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi). Đồng thời, kiến nghị xem xét việc duy trì nguồn thu phí công đoàn 2% (điểm b khoản 1 Điều 29).

Đại biểu Nguyễn Như So thảo luận tại Tổ.

Theo đại biểu Nguyễn Như So, mức thu này còn cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp đang dần kiệt sức do thiếu vốn, đói đơn hàng và phải chịu hàng loạt gánh nặng về chi phí, thủ tục.

Theo số liệu thu chi tài chính công đoàn 10 năm (từ 2013-2022) cho thấy tổng thu tài chính công đoàn là 167.740 tỷ đồng, trung bình mỗi năm tăng 12%. Tổng thu tài chính công đoàn năm 2022 so với năm 2012 tăng 2,7 lần, trong đó thu kinh phí công đoàn tăng 2,96 lần; đoàn phí công đoàn tăng 2,5 lần, thu khác tăng 2,26 lần.

Số liệu trên cho thấy việc tăng trưởng mạnh của quỹ công đoàn theo mức thu 2% và hiện số kết dư không sử dụng hết là khoảng 37.000 tỷ đồng. Do đó, cần điều chỉnh giảm mức thu nộp kinh phí công đoàn một cách phù hợp, một mặt bảo đảm điều kiện hoạt động cho tổ chức công đoàn nhưng mặt khác không phát sinh gánh nặng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xem xét giảm tiền đoàn phí cho công đoàn viên nhằm giảm bớt gánh nặng cho người lao động và thu hút được nhiều người lao động tham gia tổ chức công đoàn theo tinh thần Nghị quyết 06/NQ-TW.

Đại biểu Nguyễn Như So đồng tình với quy định bổ sung quyền gia nhập công đoàn đối với người lao động nước ngoài vì quy định này phù hợp với chủ chương tại Nghị quyết 06/NQ-TW về “Đổi mới tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…., thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”; phù hợp với quy định của Điều 172 Bộ Luật lao động 2019 cho phép người lao động nói chung (bao gồm cả người lao động nước ngoài) được quyền gia nhập “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”; phù hợp với thông lệ của một số quốc gia trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Bắc Mỹ... và đáp ứng được nhu cầu thực tế và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, để quy định đảm bảo hiệu quả, khả thi cần tính toán và xem xét đến một số vấn đề như: Những hạn chế, bất cập về rào cản ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, chính trị...; những đặc thù, quy định riêng về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ giữa các nhóm người lao động nước ngoài và người lao động Việt Nam.  

Tại Điều 21 quy định về quyền của đoàn viên công đoàn, đại biểu Nguyễn Như So lựa chọn phương án 1: “Ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo của công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Trường hợp đoàn viên là công dân nước ngoài thì không được ứng cử, nhận đề cử để bầu vào cơ quan lãnh đạo của công đoàn”.

Đại biểu Nguyễn Như So đề nghị xem xét lại quy định: “Công đoàn chủ trì phản biện xã hội…” tại khoản 1 Điều 17 dự thảo luật để đảm bảo khả thi. Bởi lẽ, việc thực hiện chủ trì phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước (có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và của người lao động) đòi hỏi phải có bộ máy có trình độ chuyên môn sâu, am hiểu nhiều lĩnh vực và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan. Trong khi đó, phạm vi phản biện xã hội rất rộng bao gồm cả quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án; cán bộ công đoàn chuyên trách rất ít và không phải ai cũng có đủ năng lực chuyên môn để tham gia phản biện. Do đó, nên sửa đổi quy định này theo hướng: “Công đoàn thực hiện phản biện xã hội...” sẽ phù hợp, khả thi trên thực tế hơn.

Vân Giang (bt)

Tag:

File đính kèm