Sign In

Khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất nông nghiệp

10:32 17/09/2024
Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nông dân Bắc Ninh đã chịu ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ. Trước tình hình đó, Hội Nông dân các cấp đã chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời động viên, hỗ trợ hội viên, nông dân khắc phục hậu quả sau bão.

Đoàn công tác của HND tỉnh kịp thời đi thăm, nắm bắt tình hình thiệt hại của nông dân sau bão số 3

Bão số 3 với cường độ mạnh và gây mưa lớn kéo dài, ngập úng do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại đáng kể cho nông dân tỉnh Bắc Ninh. Theo thống kê sơ bộ từ HND các huyện, TX, TP, đã có trên 9.600 ha lúa mùa bị đổ; hơn 1.900 ha rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị thiệt hại; gần 140 ha diện tích ao nuôi thủy sản bị ngập; 238 lồng bè nuôi trồng thủy sản, 153.500 m2 nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp bị tốc mái, hư hỏng; 2.440 con vật nuôi bị chết; 16 công trình, nhà cửa kiên cố và 3.329 nhà cấp 4, công trình phụ trợ bị tốc mái. Toàn tỉnh có 618 hộ nông dân chịu thiệt hại do bão, lũ gây ra từ 30 triệu đồng trở lên.

Nhiều diện tích nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp bị hư hỏng

Thăm cánh đồng chuối rộng 3ha của anh Nguyễn Tiến Mạnh (xã Giang Sơn, huyện Gia Bình), trận bão kinh hoàng đã khiến cánh đồng chuối gãy đổ nghiêng ngả. Những gì còn sót lại là những buồng chuối non, ăn cũng chẳng được mà bán cũng chẳng ai mua, nằm ngổn ngang khắp cánh đồng. Việc chặt bỏ diện tích chuối gãy đổ cũng mất rất nhiều thời gian, công sức, trong khi đó việc trồng lại thay thế những cây mới để kịp vụ Tết gần như không có. Anh Nguyễn Tiến Mạnh chia sẻ: “Chỉ sau một đêm bão về, tất cả đã gần như mất trắng. Trước mắt, gia đình sẽ huy động nhân lực để dọn dẹp, khôi phục lại dần”.

Còn tại mô hình sản xuất, chăn nuôi tổng hợp quy mô 6,7 ha của ông Nguyễn Xuân Nam, HTX sản xuất dịch vụ thương mại nông nghiệp sạch Bình Dương (xã Bình Dương, huyện Gia Bình), toàn bộ khu nhà xưởng chăn nuôi và nhà màng đã bị tốc mái, hư hại. Cũng trong tình cảnh này, diện tích 1,3 ha nhà lưới trồng dưa leo, cà chua baby, ớt chuông của bà Nguyễn Thị Trâm (xã Minh Tân) và nhà xưởng Công ty Cổ phần AGRITEC chế biến rau củ quả xuất khẩu và sản xuất thực phẩm của ông Nguyễn Hữu Dũng (xã Phú Hòa, Lương Tài) cũng đã bị hư hỏng hoàn toàn. Hoàn lưu sau bão đã tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng, khiến cho mực nước trên các sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình liên tục tăng cao làm úng ngập nhiều vùng trũng thấp, cũng đã gây thiệt hại lớn cho các mô hình sản xuất ở dọc theo bờ sông, đặc biệt là các hộ nuôi trồng thủy sản.

Trước tình hình trên, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo HND các huyện, TX, TP kịp thời nắm bắt và phản ánh thông tin, tổng hợp chi tiết những thiệt hại do bão gây ra đối với đời sống và sản xuất của hội viên, nông dân; trực tiếp đi thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những khó khăn của hội viên, nông dân đang gặp phải; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đề xuất của hội viên, nông dân để kịp thời hỗ trợ và tham mưu các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ cho nông dân để nông dân sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, từng bước khôi phục sản xuất trở lại. Đồng thời, tổ chức các Đoàn công tác đến trực tiếp các địa bàn, rà soát, tổng hợp, đánh giá thiệt hại do bão gây ra đối với các hộ nông dân vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (248 hộ với tổng số vốn vay là 25.750 triệu đồng) để kịp thời có phương án xử lý theo quy định.

Trực tiếp đi thăm, khảo sát thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại huyện Tiên Du và Lương Tài, đồng chí Nguyễn Thị Lệ Tuyết - Chủ tịch HND tỉnh chia sẻ với những khó khăn, tổn thất của hội viên, nông dân. Đồng chí mong rằng các hội viên, nông dân nỗ lực vượt qua khó khăn trong thời điểm này, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả, bảo vệ phần tài sản, hoa màu, nông sản còn lại, sớm ổn định cuộc sống và tái sản xuất trở lại. Đặc biệt HND các cấp phối hợp tổ chức kết nối, tiêu thụ khẩn trương giúp các hộ nông dân nuôi cá lồng trên sông nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.

HND các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối hỗ trợ tiêu thụ cá cho nông dân nuôi cá lồng trên sông

Để chủ động ứng phó với mưa bão và khắc phục hậu quả do mưa bão, ngập úng gây ra, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia cùng các lực lượng địa phương trong công tác phòng chống lụt bão, tập trung bảo vệ những mục tiêu trọng tâm, những địa bàn xung yếu; thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa của cơ quan chức năng, phối hợp di dời trong trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn về người và tài sản; phát động cán bộ Hội các cấp tham gia ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 Yagi.

Cán bộ cơ quan HND tỉnh tham gia ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão lụt

Đặc biệt, ngay sau khi mưa giảm, nước rút, các cấp Hội tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kịp thời khoanh vùng, tiêu úng nhanh, đảm bảo không để lúa, rau màu ngập sâu trong thời gian dài; phổ biến các biện pháp kỹ thuật chăm sóc những diện tích lúa, rau màu bị ngập; huy động lực lượng hỗ trợ khẩn trương thu hoạch nông sản nhằm giảm thiểu thiệt hại; tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh hại cây trồng, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đối với chăn nuôi thì khuyến cáo người dân khẩn trương sửa chữa, gia cố lại, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu trùng, khử độc môi trường, chú ý chăm sóc và tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi. Đối với thủy sản cần xử lý khử trùng khu vực ao nuôi, đặt máy quạt nước, sục khí, gia cố bờ, lồng bè.

Hiện nay, mực nước trên các sông, hồ trên địa bàn tỉnh còn ở mức cao, tình hình thời tiết được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ ngập lụt. Những thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra đã và đang ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh. Tin tưởng rằng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và sự đồng hành, vào cuộc tích cực của Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở, hội viên, nông dân trong tỉnh sẽ sớm khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất./.

Nguyễn Thu

Hội Nông dân tỉnh

Tag:

File đính kèm