Sign In

Nhân tố quyết định xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

20:03 20/12/2023
Để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn, Đảng bộ tỉnh xác định, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt và có tính quyết định.

Nhìn lại thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy luôn chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng sâu sát, gần dân, phát huy dân chủ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đã có nhiều đổi mới về phương pháp, phong cách; trong chỉ đạo, điều hành, luôn chủ động, linh hoạt, kiên trì với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả khá rõ nét. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; vai trò, vị trí, uy tín của Đảng trong nhân dân được củng cố, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng gắn bó mật thiết; nhân dân ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Nhằm đổi mới mạnh mẽ từ thực tiễn, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tuyên truyền, quán triệt, học tập nghị quyết gắn với việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương; ban hành các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, kết luận để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thực tiễn cho thấy, mặc dù chủ trương, nghị quyết là đúng, nhưng do chỉ đạo tổ chức triển khai không tốt, nên nghị quyết không đi vào cuộc sống. Nhận thức được điều này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cải tiến khâu tổ chức thực hiện nghị quyết theo hướng tập trung, kiên quyết và dứt điểm. Để đổi mới công tác học tập, quán triệt nghị quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức của các đơn vị, địa phương, song vẫn bảo đảm truyền tải đầy đủ các nội dung quan trọng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường sử dụng phương tiện công nghệ hiện đại, đặc biệt là ứng dụng các hình thức trực tuyến, truyền hình trực tiếp.

 

Đẩy mạnh cải cách hành chính là một trong những đột phá thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.


Với mục tiêu tiếp tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung giải quyết những hạn chế, khuyết điểm theo chuyên đề; đổi mới phương pháp sinh hoạt, nâng cao chất lượng các hội nghị; kịp thời ban hành một số chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường làm việc theo hội nghị chuyên đề, bàn sâu về một số lĩnh vực cụ thể nhằm định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; tổ chức nhiều buổi làm việc chuyên đề với ban thường vụ cấp ủy trực thuộc, các đơn vị để chỉ đạo giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, bất cập trong thực hiện nghị quyết của cấp ủy và những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Tuy nhiên, trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở cơ sở còn một số hạn chế đó là: Công tác nắm tình hình, dự báo những phát sinh ở cơ sở có lúc chưa kịp thời. Vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa cao, nhất là khi giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp nảy sinh tại cơ sở. Vẫn còn tình trạng trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, kể cả người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa cao, còn tình trạng né tránh, trông chờ, ỷ nại, đùn đẩy trách nhiệm. Tính nêu gương của một số đảng viên là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt chưa rõ nét; công tác tự phê bình và phê bình có nơi chưa thật sự đi vào chiều sâu; việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiệu quả chưa cao. Vai trò quản lý, giáo dục, giám sát đảng viên tại chi bộ còn hạn chế; việc rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng có nơi chưa thực hiện thường xuyên. Công tác xây dựng Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân còn nhiều khó khăn...
Để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo niềm tin với nhân dân, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về: củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trên cơ sở đó, phấn đấu đến năm 2025: Hằng năm, có trên 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; tỷ lệ kết nạp đảng viên mới đạt từ 3 - 4% tổng số đảng viên.

Xuân Bình

Tag:

File đính kèm