Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2-1951. Ảnh tư liệu.
Là người sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng, củng cố đoàn kết trong Đảng. Theo tư tưởng của Người, đoàn kết là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng. Người chỉ rõ, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ với đoàn kết quốc tế, tạo nên sức mạnh to lớn, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam - “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Người xem đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Sự đoàn kết trong Đảng càng được củng cố thì đoàn kết của dân tộc càng được tăng cường. Đảng đoàn kết, dân tộc đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, đưa cách mạng nước ta đi tới thắng lợi cuối cùng.
Theo Người, cơ sở để xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong Đảng chính là đường lối, quan điểm của Đảng và Điều lệ Đảng. Đây là cơ sở tạo nên sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức, từ đó thống nhất về hành động nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng.
Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, điều đầu tiên Bác yêu cầu phải thực hành dân chủ rộng rãi, bởi chỉ có mở rộng dân chủ, cán bộ, đảng viên mới có thể tham gia bàn bạc đến nơi đến chốn những vấn đề hệ trọng, từ đó đi đến thống nhất tư tưởng và hành động, đoàn kết để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng. Chỉ có đề cao tinh thần dân chủ trong sinh hoạt và các hoạt động của tổ chức đảng, mới đi đến đoàn kết thống nhất để làm việc hiệu quả.
Bên cạnh yêu cầu phải thực hành dân chủ rộng rãi còn phải thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, đó là cách tốt nhất để củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Mỗi người cần thực hiện tự phê bình trước, phê bình người khác sau, có thật thà tự phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm thì mới phê bình người khác được chân thực và thẳng thắn. Theo Người, phê bình thì phải “rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật”, chứ không phải ‘‘là nể nang và che giấu”. Mục đích phê bình “là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng’’, có như vậy mới giúp các tổ chức đảng luôn luôn trong sạch, vững mạnh.
Để đoàn kết thật sự, đoàn kết chặt chẽ, theo Bác không chỉ cần thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng mà rất cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ giữa cán bộ, đảng viên với nhau. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, thực hiện phương châm sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; giúp đỡ nhau trong công tác, trong học tập, trong sinh hoạt hằng ngày, lúc đồng đội ốm đau, khó khăn, kể cả khi mắc sai lầm, khuyết điểm. Thương yêu đồng chí “không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc” mà phải “giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm”. Chỉ có xuất phát từ nền tảng “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, chúng ta mới chung sức chung lòng xây dựng, củng cố đoàn kết nội bộ chặt chẽ, vững chắc.
Đoàn kết là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, là đường lối chiến lược quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt chặng đường 94 năm xây dựng và trưởng thành, nhờ đoàn kết chặt chẽ, Đảng ta đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân vượt qua bao khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Tư tưởng của Bác về đoàn kết xây dựng Đảng luôn là bài học lớn đối với công tác xây dựng Đảng. Việc quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong Đảng để xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
N.P (t/h)