Sign In

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Biểu tượng sáng ngời về tư tưởng, đạo đức, phong cách

21:54 18/05/2023

Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người không chỉ đấu tranh, mưu cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, mà còn để lại cho các thế hệ mai sau một di sản vô cùng quý báu, đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. 

 

Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mỗi thời kỳ đều ghi dấu những anh hùng giải phóng dân tộc. Những anh hùng ấy đã viết lên các trang sử vẻ vang cho dân tộc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - Người anh hùng vĩ đại đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta. Trải qua lịch sử hơn 4.000 năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, chưa có thời kỳ nào đất nước Việt Nam ta phát triển rực rỡ như thời đại Hồ Chí Minh. Một thời đại mà dân tộc Việt Nam nhỏ bé, vật chất nghèo nàn, lạc hậu đã làm nên kỳ tích đánh đuổi hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Một thời đại mà mỗi người dân Việt Nam luôn cảm thấy tự hào trước bạn bè quốc tế. 

Nói về phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Một đời thanh bạch, chẳng vàng son”. Câu thơ ấy đã khắc họa một cách giản dị tấm gương sáng ngời về đạo đức, phong cách của Bác. Sinh thời, khi đã là Chủ tịch nước, hình ảnh của Bác vẫn luôn gắn liền với đôi dép cao su và bộ quần áo nâu dân dã, hiếm có một vị lãnh tụ nào mà đi giữa quần chúng lại không thể phân biệt được ai là lãnh tụ, ai là quần chúng. Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập” có những chi tiết thật cảm động. Quần áo Bác mặc chỉ vài bộ, may cùng kiểu. Có lần áo Bác rách, vá đi vá lại, thậm chí thay cả cổ áo, vậy mà Bác nhất định không đổi áo mới. Trong lúc làm việc, Bác tiết kiệm từng mẩu bút chì, từng mảnh giấy. Bác nói: “Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai, ba lần”, và Bác đã làm như vậy. Bản thảo, Bác viết trên mặt sau của những tờ tin tham khảo của Việt Nam Thông tấn xã. Phong bì, Bác dùng lại 2-3 lần. Máy điều hòa nhiệt độ do các cán bộ ngoại giao công tác ở nước ngoài biếu, Bác đề nghị để cho các thương bệnh binh đang điều trị tại Trại điều dưỡng hoặc Quân y viện, mặc dù lúc đó Người đang ở trong ngôi nhà của người thợ điện, rất nóng. Trong kháng chiến, Bác đi bộ khắp an toàn khu, năm cuối cùng mới đi ô tô. Sau này, chiếc ô tô Bác đi thăm đồng bào, chiến sĩ hay đi công tác cũng chỉ là loại xe bình thường. Bữa ăn hàng ngày của Bác thật thanh đạm, thường là dưa cà, mắm muối. Đến làm việc hoặc đi thăm các địa phương, Người thường mang theo cơm nắm để khỏi phiền hà và tránh việc tiếp đón linh đình. Phong cách giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được Nhân dân Việt Nam mà cả thế giới ngưỡng mộ. Một tác giả nước ngoài đã viết rằng: “Cuộc sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự gần gũi với Nhân dân là đặc trưng cho tình yêu đối với đất nước của một con người đã trở thành huyền thoại ngay trong cả cuộc sống đời thường…”

Theo Thạc sĩ Ngô Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh: Tư tưởng Hồ Chí Minh về gắn bó với Nhân dân bắt nguồn từ quan điểm của Người về nguồn gốc mọi sức mạnh là Nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”; “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo xứ Nghệ, sống chan hòa cùng với các tầng lớp nhân dân lao động, từ đó, Bác đã sớm hình thành quan niệm và lối sống gần gũi, gắn bó với Nhân dân. Khi trở thành lãnh tụ, Bác vẫn sống cuộc sống bình thường, dù bận trăm công ngàn việc đại sự quốc gia, Bác vẫn luôn quan tâm sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày của các tầng lớp nhân dân. Trong vòng 10 năm, kể từ năm 1959 đến khi Bác mất (1969), Bác đã có 700 chuyến về cơ sở thăm và tìm hiểu cuộc sống của Nhân dân, ngay cả khi đã ở độ tuổi thất thập. Và trong mỗi chuyến đi của Bác, lại càng thấy rõ hơn sự gần gũi, giản dị của Người. 

“Một lần, tại hội nghị ở thủ đô Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo đề xuất việc xây dựng một trụ sở rất to cho Trung ương để xứng tầm với vai trò lãnh đạo của Đảng. Khi nghỉ giải lao, các đồng chí bàn luận về địa điểm để xây trụ sở của Trung ương Đảng ở đâu cho đúng vị trí và tầm vóc của Đảng. Bác mới bảo với đồng chí đề xuất. Các chú biết xây ở đâu thì đúng không? Bác đưa tay lên ngực trái và nói: “Xây ở trong lòng dân”. Đảng phải làm sao để dân tin, tin hiểu, gắn bó với Nhân dân thì Đảng sẽ mạnh lên chứ không phải xây ở địa điểm nào thì mới xứng với vị thế của Đảng. Điều đó cho thấy sự gắn bó với Nhân dân của Bác”, Thạc sĩ Ngô Thị Liên chia sẻ.

Từ câu chuyện xây trụ sở Trung ương Đảng trong lòng dân, Thạc sĩ Ngô Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trách nhiệm gắn bó với Nhân dân trước hết thuộc về cán bộ, đảng viên; cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân,… Các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện nghiêm túc việc xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ; rà soát, bổ sung những chuẩn mực đạo đức mới theo nội dung chuyên đề từng năm, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của đơn vị mình. 

Theo đồng chí Trần Văn Khánh, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, cần phát huy trách nhiệm tự giác đi đầu, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị để đưa việc học và làm theo Bác được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất. Vì, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là cái gốc của mọi việc, cán bộ tốt thì công việc thành công, cán bộ kém thì công việc thất bại. Việc triển khai và xây dựng kế hoạch toàn khóa, chuyên đề hằng năm cần được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hằng năm gắn với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng và nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm và chất lượng công tác, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từ đó tạo những chuyển biến rõ nét về kỷ luật, kỷ cương hành chính, chống bệnh “thành tích”, bệnh “hình thức”, bệnh “quan liêu”; nâng cao tinh thần trách nhiệm “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên hiện nay.

Thùy Linh
 

Tag:

File đính kèm