Sign In

Nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu cổ xuý vấn đề “tam quyền phân lập” và “xã hội dân sự” ở việt nam

10:29 09/11/2023
Tung hô, cổ xuý cho vấn đề “tam quyền phân lập” và “xã hội dân sự” là một trong những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay. Các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền cho rằng “tam quyền phân lập” và “xã hội dân sự” chính là “phương thuốc vạn năng” để kiểm soát quyền lực và ngăn ngừa tham nhũng, nhưng thực chất âm mưu phía sau của luận điệu này nhằm phá hoại thể chế chính trị của ta, phá hoại nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, tiến tới phá hoại vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Trên các kênh RFI, RFA, BBC… và hầu hết trang mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động thường xuyên đăng tải các bài viết ca ngợi cho rằng “tam quyền phân lập là một đặc trưng của quốc gia dân chủ”; kêu gọi “Việt Nam cần phải thực hiện “tam quyền phân lập” để tránh Nhà nước toàn trị”. Đồng thời đưa ra “lý sự” để quy kết rằng “Việt Nam không thể có tam quyền phân lập khi còn chế độ Cộng sản”; “quyền lực tập trung là nguy cơ của tham nhũng”… từ đó hô hào, kích động người dân chống lại quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Cùng với việc tung hô, cổ xuý về “tam quyền phân lập”, với âm mưu thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, các thế lực thù địch đang tiến hành “làm méo mó, biến tướng” vấn đề “xã hội dân sự” và ra sức cài cắm “xã hội dân sự” đã bị biến tướng, méo mó này vào Việt Nam, nhằm thực hiện âm mưu làm nền móng để tập hợp lực lượng, thai nghén, sản sinh ra các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trong lòng đất nước.

Theo các nhà nghiên cứu “tam quyền phân lập” là nguyên tắc tổ chức của Nhà nước tư bản để không tập trung quá nhiều quyền lực nhà nước vào một cơ quan nhất định bằng sự phân chia quyền lực và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, do mỗi nước có truyền thống lịch sử, văn hoá, điều kiện đặc thù khác nhau nên không thể có một khuôn mẫu chung nào về “tam quyền phân lập” để áp dụng chung cho tất cả các nước mà mỗi nước có một mô hình tổ chức khác nhau.

Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; quyền lực nhà nước là do nhân dân uỷ quyền, thay mặt Nhân dân quản lý đất nước. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, có sự kiểm soát lẫn nhau, nhưng không phải là kiểm soát theo kiểu những lực lượng đối lập mà phối hợp lẫn nhau để cùng thực hiện quyền lực của Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức của Nhân dân khác theo quy định của pháp luật. 

Điểm tạo nên tính ưu việt của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam so với các nước tư bản trên thế giới là pháp luật phục vụ Nhân dân, để thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân; mục tiêu phát triển đất nước là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Như vậy, cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay đã khẳng định được tính hợp lý, tính khoa học đúng đắn của nó. Vấn đề cốt lõi giai đoạn hiện nay không phải là lựa chọn làm theo mô hình nào mà là chúng ta phải thực hiện mô hình mà chúng ta đã dày công, tâm huyết lựa chọn, xây dựng đó như thế nào để xứng đáng với kỳ vọng của Nhân dân.

“Xã hội dân sự”, theo phân tích của các nhà nghiên cứu, có thể hiểu là những hoạt động tập thể tự nguyện, được hình thành và vận hành trong không gian công cộng và tư nhân; tồn tại độc lập, dưới hình thức các tổ chức và thiết chế tự quản, nằm ngoài vùng ảnh hưởng trực tiếp của yếu tố nhà nước, yếu tố thị trường và ngoài khu vực gia đình.

Theo quan điểm trên thì ở Việt Nam, các tổ chức có tính “xã hội dân sự” cũng đã và đang tồn tại dưới nhiều hình thức như: tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhân đạo, từ thiện, hữu nghị; các tổ chức theo dòng tộc, sở thích; các tổ chức dịch vụ công không phải do nhà nước lập ra… các tổ chức này hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí, phi lợi nhuận, tuân thủ các quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, các tổ chức này có một vai trò nhất định đối với xã hội, nhất là khả năng tham gia vào giải quyết một số vấn đề xã hội trong cộng đồng; làm cầu nối để phản ánh nguyện vọng của hội viên, Nhân dân với Đảng, Nhà nước hoặc trực tiếp đứng ra cung ứng một số dịch vụ xã hội do Nhà nước uỷ quyền… Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng thiết lập các tổ chức xã hội đa dạng và không ngừng hoàn thiện quy định pháp luật để phát huy vai trò của các tổ chức này để trở thành những tổ chức thật sự có ích cho xã hội và cho Nhân dân. 

Việt Nam không kỳ thị, không ngăn cản người dân tham gia thành lập hội, tham gia các tổ chức nhưng tất cả các hội, nhóm, đoàn thể đều phải tuân thủ nghiêm các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cái mà Việt Nam không thừa nhận và ngăn chặn là cái “xã hội dân sự” đã bị “bóp méo”, “làm biến tướng” nhằm làm tiền đề sản sinh ra các hội, nhóm chống đối Đảng, Nhà nước!

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của Nhân dân được cải thiện và ngày càng được nâng cao; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh; quốc phòng an ninh được giữ vững, tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vị thế và uy tin quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao… Những thành tựu đó đã khẳng định mô hình và đường lối của chúng ta là đúng đắn, sáng tạo. Thành tựu đó là kết tinh sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bùi Vũ Quang Tấn
 

Tag:

File đính kèm