Sign In

Sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023 - 2024

15:00 29/11/2024
Sáng ngày 29/11/2024, tại Thành phố Cần Thơ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phối hợp UBND các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị sơ kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2023 - 2024. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam; Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành ĐBSCL; lãnh đạo các sở ngành, cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam phát biểu tham luận. (Ảnh: Trương Hùng)

Thỏa thuận hợp tác giữa TP.HCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã được ký kết vào tháng 3/2023 trong khuôn khổ hội nghị hợp tác tổ chức tại tỉnh Bến Tre. Trong giai đoạn 2023-2024, các nội dung hợp tác giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả và đạt một số kết quả cụ thể, với 6 nội dung hợp tác nêu trong Thỏa thuận, bao gồm các lĩnh vực như: Kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; và phát triển lĩnh vực y tế, đào tạo nguồn nhân lực. Trong các nội dung hợp tác, TP.HCM luôn đóng vai trò là đơn vị đầu tàu, dẫn dắt, phối hợp hỗ trợ các tỉnh, thành ĐBSCL trong các chương trình, hoạt động.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Trương Hùng)

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, cùng với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL, thời gian qua tỉnh Bến Tre đã tích cực phối hợp triển khai các nội dung đã ký kết, nhất là một số lĩnh vực hợp tác song phương giữa TP.HCM với tỉnh Bến Tre. Trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác đã ký kết, các sở, ngành tỉnh Bến Tre đã tích cực, chủ động phối hợp, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, đưa các hoạt động liên kết đi vào thực chất, từ đó đạt một số kết quả quan trọng.

Nổi bật nhất là việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp được triển khai thực hiện khá tốt. Các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã kết nối, cung cấp các sản phẩm nông sản, thủy sản cho siêu thị, chợ đầu mối, các điểm thu mua phân phối của các tỉnh trong vùng và TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tham quan gian trưng bày sản phẩm của tỉnh Bến Tre tại hội nghị. (Ảnh: Trương Hùng)

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh Bến Tre tiếp tục triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2021-2025; ban hành kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch năm 2024 và tổ chức thành công Diễn đàn liên kết phát triển du lịch vùng TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL lần thứ 3 năm 2024,…

Đối với việc liên kết phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh lân cận trong Tiểu vùng Duyên hải phía Đông đầu tư các dự án giao thông liên tỉnh, như: Cầu Rạch Miễu 2, cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh; cầu Đình Khao nối Bến Tre với Vĩnh Long; cầu Cổ Chiên 2 nối Bến Tre với Trà Vinh. Cùng nhiều hoạt động liên kết, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, đầu tư,…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng TP.HCM và vùng ĐBSCL cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, cụ thể hơn nữa vì sự phát triển của TP.HCM và sự phát triển chung của vùng ĐBSCL, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Từ đây đến cuối năm 2025, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng cần tập trung phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện pháp lý để mở rộng cao tốc TP.HCM - Mỹ Thuận, mở rộng QL.1A, QL.50B; nghiên cứu triển khai đường ven biển và đường biên giới; khẩn trương hoàn thiện pháp lý để xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ trước năm 2030; khởi động lại một số hạng mục giao thông đường thủy, có thể kết nối đến Campuchia nhằm phục vụ du lịch đường thủy, logistics….

Lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Trương Hùng)

Về hợp tác phát triển du lịch, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị ngành du lịch các địa phương ĐBSCL ngồi lại cùng với Sở Du lịch TP.HCM thiết kế lại hệ sinh thái du lịch chung TP.HCM và ĐBSCL. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ, chuyển đổi số, y tế, giáo dục trên cơ sở các kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn 2023-2024. Về kết nối cung cầu, thu hút đầu tư, thương mại, TP.HCM và ĐBSCL sẽ dựng một không gian chung cho các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các tỉnh, thành ĐBSCL tại TP.HCM.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo UBND TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã thông qua Kế hoạch triển khai hợp tác giai đoạn 2024-2025.

Tag:

File đính kèm