Sign In

Cảm nhận về quyển sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

16:46 30/06/2023
Sau khi được học tập, nghiên cứu quyển sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đặc biệt là sau khi dự buổi sinh hoạt chuyên đề do Chi bộ Ban Dân vận Tỉnh uỷ phối hợp với Ban Dân vận Huyện uỷ Thạnh Phú và Đảng uỷ Đồn Biên phòng Cổ Chiên tổ chức, được nghe giới thiệu về quá trình biên tập, những nội dung cơ bản, giá trị cốt lõi của tác phẩm, tôi xin được chia sẻ những cảm nhận của mình khi đọc quyển sách.

Các đại biểu tham dự buổi sinh hoạt Chuyên đề “Cán bộ, đảng viên nới không với tham nhũng, tiêu cực”.

Trước hết, tôi vô cùng tâm đắc và nhận thức sâu sắc rằng: đây là một quyển sách mà mỗi đảng viên cần phải đọc để tự soi rọi lại mình, để tu dưỡng bản thân; đọc để có thêm niềm tin, sức mạnh và cùng chung sức, đồng lòng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Với 628 trang, quyển sách đã tập hợp nhiều bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện của đồng chí Tổng Bí thư trong những năm gần đây, cho thấy sự nhất quán giữa nói và làm; sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ; sự thống nhất giữa tinh thần chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất lớn để kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.


Mở đầu quyển sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”. Đây là luận điểm thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và mối quan hệ giữa tham nhũng và tiêu cực với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Giải thích cụm từ “tham nhũng”, Tổng Bí thư đã dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: tham nhũng là “Ăn cắp của công làm của tư” “là hành động trộm cắp”, là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”, cách giải thích thật dễ hiểu. Còn nói về “tiêu cực”, Tổng Bí thư giải thích: so với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn, tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy, trọng tâm của phòng, chống tiêu cực là phòng, chống sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng.


Đ/c Nguyễn Thị Diễm, đảng viên Chi bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại buổi sinh hoạt Chuyên đề tại Đồn Biên phòng Cổ Chiên (huyện Thạnh Phú).

Đọc hết quyển sách, tôi nhận ra rằng luận điểm này được đề cập xuyên suốt trong quyển sách, thể hiện rõ nhất trong bài viết tổng quan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; 04 bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng trong các năm 2014, 2018, 2020, 2022; phát biểu kết luận tại 36 phiên họp, cuộc họp Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong 22 bài viết tiêu biểu về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở phần thứ nhất và thứ hai của cuốn sách.


Điều tâm đắc thứ hai của tôi khi đọc quyển sách chính là sự dung dị, sức truyền cảm hứng trong văn phong, ngôn ngữ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Học tập phong cách nói và viết giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khéo léo đưa những vấn đề chính trị thành những lời nói thiết thực, sinh động qua việc vận dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ, văn phong gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày của dân, nói cho dân dễ nghe, dễ hiểu. Hay nói cách khác, Tổng Bí thư đã đưa chính trị vào giữa dân gian, làm cho cán bộ ngày càng “gần dân” theo phong cách Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là một trong những yếu tố làm cho quyển sách trở nên mềm mại, dễ đọc, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người; khác với các cuốn sách chuyên viết về chính trị mà chúng ta thường nghiên cứu.


Chẳng hạn như, đồng chí Tổng Bí thư mượn hình ảnh “cái lò, que củi” gắn liền với việc khơi than đốt lò của người nông dân, rồi khẳng định: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu,…Khi đề cập đến tình trạng “tham nhũng vặt”, Tổng Bí thư nói: “Đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn”. Hay câu nói “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu” vốn là câu nói cửa miệng của người xưa đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  dùng để nhắc nhở chúng ta luôn giữ gìn phẩm giá con người, đừng để đến chết rồi mà vẫn chưa rửa hết “vết nhơ”.


Có thể nói, qua quyển sách, chúng ta hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối, quan điểm và quyết tâm đấu tranh chống “giặc nội xâm”, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp. Đồng thời, quyển sách cũng khẳng định niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội, chính khách, học giả trong và ngoài nước với những thành tựu đạt được và ý nghĩa to lớn của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng những năm qua và những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.

Chi ủy Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng quà lưu niệm các đơn vị phối hợp.


Nếu đã đọc quyển sách, tôi tin chắc rằng ai cũng sẽ tìm ra những giá trị quý báu trong từng trang sách. Và quan trọng hơn hết là từ những giá trị cốt lõi ấy, từng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên hiểu và vận dụng như thế nào trong thực tiễn.


Trước tiên mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để từ đó thể hiện trách nhiệm, quyết tâm, tham mưu, đề xuất, góp ý với lãnh đạo cơ quan, đơn vị những biện pháp, hành động đúng và hiệu quả. Mà quan trọng hơn hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của từng đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị; cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu.


Thứ hai, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng, không riêng ở cấp nào, khối nào, lĩnh vực nào, cơ quan nào và cần phải kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng”. Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết ở những cơ quan có quyền lực, những cơ quan làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng không phải vì thế mà xem nhẹ ở những cơ quan, đơn vị, địa phương khác. Bởi lẽ cơ quan nhỏ mà để vi phạm thì nhiều vi phạm nhỏ sẽ tích tụ thành sai phạm lớn. Song song đó, cần phải có một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; nghiêm khắc xử lý vi phạm để “không ai dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính ngay tại mỗi phòng, ban nhỏ nhất để “không ai muốn” tham nhũng, tiêu cực và từng bước thực hiện chính sách, chế độ hợp lý để bất cứ ai cũng “không cần” tham nhũng, tiêu cực.


Thứ ba, quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chủ trì, người đứng đầu; tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Mọi cán bộ, đảng viên phải luôn tự soi, tự sửa, giữ gìn phẩm chất đạo đức, đừng vướng vào những chuyện tiêu cực, bất luận hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, không ham vật chất, quyền lực; phải vượt qua được cám dỗ về vật chất.


Và cuối cùng, tôi nhận ra chân lý ngay trong lời đúc kết ngắn gọn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ quyển sách: “Xét đến ngọn ngành mọi sự trên đời này cũng đều là vấn đề con người, do con người, vì con người mà ra. Bởi vậy để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, thì trước tiên mỗi cán bộ chúng ta hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân; gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và chấp hành thật tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”./..



Tag:

File đính kèm