Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về “Dân là gốc", “Dân là trung tâm"
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Dân là gốc". Người nói: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân". Dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để tồn tại và phát triển là nhờ biết “Trọng dân", chính dân là gốc, nên “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân".
Đây là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam định ra đường lối chiến lược, lãnh đạo cách mạng giành chính quyền, bảo vệ chế độ, giữ vững độc lập, chủ quyền; là cơ sở lý luận để Đảng xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình lịch sử.
Từ sự trưởng thành trong tư duy lý luận và sự kiểm chứng trên thực tế, các Đại hội Đảng trong thời kỳ Đổi mới đều khẳng định bài học: Đổi mới phải luôn quán triệt tư tưởng “Lấy dân làm gốc"; phải thực sự dựa vào dân, vì lợi ích của dân. Đảng muốn đồng hành và lãnh đạo dân thì Đảng phải tin vào dân và quan trọng hơn là phải được dân tin.
Thực tế, ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là phòng, chống đại dịch COVID-19 như “chống giặc". Bởi vậy, phải tin ở dân, dựa vào dân, tổ chức và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, bồi dưỡng, đào tạo và phát huy mọi năng lực của nhân dân, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; đó là tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc", được vận dụng sáng tạo trong công tác dân vận hiện nay; thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống đại dịch COVID-19.
Trong đó, Bình Dương là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên với quan điểm “vì dân", toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực vượt qua và khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 để lại. Trong quá trình phòng chống dịch Covid- 19 đã có nhiều mô hình, cách làm hay để chăm lo cho nhân dân, điển hình như: mô hình “Mẹ đỡ đầu"...v.v.
Song song đó, tỉnh Bình Dương đã chi hơn 6,6 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; trong đó chi cho hoạt động phòng, chống dịch là hơn 3,2 nghìn tỷ đồng; chi cho an sinh xã hội là hơn 3,4 nghìn tỷ đồng…
Quan điểm của Bình Dương về “dân là gốc", “dân là trung tâm" khơi nguồn cho của mọi thắng lợi và phát triển
Đ/c Bùi Thanh Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Trải qua 27 năm xây dựng và phát triển (1997-2024), Bình Dương đã và đang vươn mình phát triển, trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ, tạo nên nhiều dấu ấn riêng, đậm nét trong phát triển kinh tế - xã hội. Để có được thành quả đó, một trong những kinh nghiệm đó là, tỉnh đã phát huy tốt vai trò, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình “Gần dân, sát việc, làm việc tận tụy, công tâm" mang tính chất định hướng trong toàn Đảng bộ tỉnh Bình Dương. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng, đặc điểm tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà xác định tên gọi, nội dung thực hiện cho phù hợp, như: “Gần dân, sát dân", “Gần công nhân, sát công nhân, lắng nghe và chia sẻ với công nhân", “Chính quyền thân thiện, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân", “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ", mô hình như: “Cà phê sáng - Trao đổi với Nhân dân", mô hình “Gần dân, sát việc"; diễn đàn các ngành lắng nghe ý kiến nhân dân, như: Công an, Giáo dục, Y tế …v.v…Qua thực hiện mô hình, từng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là ở cơ sở đã thể hiện sự gần gũi, gắn bó, sâu sát với nhân dân, kịp thời tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân liên quan đến cuộc sống hàng ngày và sự phát triển chung của địa phương.
Từ đó, tạo sự tin tưởng, hài lòng trong nhân dân, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng khiếu nại đông người, vượt cấp, không để phát sinh những vấn đề phức tạp. Để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính được tỉnh tập trung thực hiện và đạt nhiều kết quả, đã tác động tích cực vào hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Hội Chữ Thập đỏ được các cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy hiệu quả, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền và phát triển của tỉnh Bình Dương. Công tác dân vận của chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc triển khai chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, doanh nghiệp được chú trọng tổ chức thường xuyên, nghiêm túc, hiệu quả từ cấp tỉnh đến cơ sở. Các cuộc vận động, phong trào thi đua có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả hướng về cơ sở.
Đặc biệt, Đề án 02 của Tỉnh ủy Bình Dương về “Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh" gắn với thực hiện “Ngày thứ bảy văn minh" là một Đề án lấy người dân làm chủ thể, lấy con người làm trung tâm. Từ Đề án, đã có nhiều hoạt động thiết thực thu hút đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo được sự lan tỏa, đồng thuận cao.
Ở Bình Dương, công tác dân vận của hệ thống chính trị trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, đã góp phần tạo sự đồng thuận cao của Nhân dân và Doanh nghiệp trong tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong triển khai các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh Bình Dương, điển hình như: tổ chức động thổ và khởi động các công trình trọng điểm gồm: khu phức hợp WTC Bình Dương (Vòng xoay A1); Khu công nghiệp Cây Trường và khánh thành đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng 2…v.v.
Đ/c Bùi Thanh Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Dương cùng Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các vị chức sắc tỉnh Bình Dương tham gia trồng cây xanh hưởng ứng chương trình "Ngày thứ bảy văn minh"
Để thực hiện tốt bài học “Dân là gốc", “Dân là trung tâm" và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, tôi xin đề xuất cùng với Hội thảo một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, đổi mới phương pháp tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là quan điểm của Đảng “dân là gốc", “dân là trung tâm".
Quan điểm “dân là gốc", “dân là trung tâm" cần trở thành phương châm hoạt động của toàn hệ thống chính trị và với mỗi cán bộ, đảng viên. Khi ban hành các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân; tôn trọng và lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Với cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ".
Phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện thông tin - truyền thông và thiết chế văn hóa ở cơ sở nhằm đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và phương thức phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân, giúp nhân dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, cũng như tầm quan trọng của việc tham gia vào các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội.
Đặc biệt, phải chú trọng tuyên truyền đến các vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân hiểu đúng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước để không bị các thế lực phản động, thù địch lôi kéo, dụ dỗ, kích động.
Thứ hai, phải đảm bảo quyền lợi và phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo quan điểm của Đảng “dân là gốc", “dân là trung tâm".
Nâng cao trách nhiệm, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên về bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân, phải thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Phát triển nền kinh tế, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí minh. Trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, cần phải lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực; không hy sinh lợi ích của người dân và môi trường… để đánh đổi lấy sự phát triển.
Trong đó, cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh cần chú trọng đến những vấn đề “nóng", những vấn đề mà người dân quan tâm và có giải pháp, cách làm hiệu quả, tạo đồng thuận trong nhân dân…
Từ đó, niềm tin của nhân dân đối với Đảng sẽ được tiếp tục củng cố, tăng cường khi cán bộ, đảng viên, công chức trong cả hệ thống chính trị tiên phong, gương mẫu, hết mình cống hiến vì lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; khi Đảng lãnh đạo có hiệu quả cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khi những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân được giải quyết kịp thời.
Thứ 3, đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong cải cách thủ tục hành chính
Cần xác định, cải cách thủ tục hành chính phải đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả của các giải pháp cải cách, từ đó làm cơ sở hoàn thiện về chính sách, quy trình và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công.
Bên cạnh đó, cần công khai các chuẩn mực, các quy định hành chính để nhân dân giám sát việc thực hiện. Tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong hoạt động công vụ. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành của hệ thống hành chính nhà nước các cấp. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; giảm, bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiên hà cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm công vụ xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo quan điểm của Đảng “dân là gốc", “dân là trung tâm" trong tình hình mới
Từ bài học “Dân là gốc", “Dân là trung tâm" và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng “lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". Trong đào tạo, bồi dưỡng không chỉ chú ý đến bồi dưỡng về chính trị mà phải đặc biệt chú ý đến chất lượng kỹ năng, phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung của nhân dân.
Song song đó, cần coi trọng và thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phong cách làm việc, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức . Thông qua công tác dân vận chính quyền, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, nhân dân có điều kiện thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
*
Từ sự trưởng thành trong tư duy lý luận và sự kiểm chứng trên thực tế, các Đại hội Đảng trong thời kỳ Đổi mới đều khẳng định bài học: Đổi mới phải luôn quán triệt tư tưởng “Lấy dân làm gốc"; phải thực sự dựa vào dân, vì lợi ích của dân.
Tại Hội thảo hôm nay, tôi xin chia sẻ một vài nội dung mang tính đúc kết từ thực tiễn. Hi vọng rằng, đóng góp được phần nào ý kiến để làm rõ hơn quan điểm, giải pháp thực hiện bài học “Dân là gốc", “Dân là trung tâm" và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới./..