Sign In

Sản phẩm OCOP mang đặc trưng văn hóa truyền thống địa phương

17:25 11/12/2023

Sáng ngày 11/12/2023, tỉnh Cà Mau phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại - Đây là một trong những sự kiện trong khuôn khổ Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Lê Văn Sử, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau; đồng chí Nguyễn Trung Đông, Hiệu trường Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn; cùng với hơn 100 chủ thể OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long (trong đó, tỉnh Cà Mau có 66 chủ thể) và kết nối điểm cầu trực tuyến với 43 doanh nghiệp là các nhà mua, nhà thương mại, các sàn thương mại điện tử, các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Văn Sử tin tưởng, Hội nghị hôm nay cùng với các hoạt động chia sẻ, kết nối giữa các bên tham gia sẽ góp phần hỗ trợ tích cực cho các chủ thể OCOP tỉnh Cà Mau, đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương khác trên toàn quốc tìm được cơ hội hợp tác, xây dựng kênh liên kết, tiêu thụ ổn định thông qua các hệ thống siêu thị và các nhà phân phối, thương mại, tạo điều kiện để các sản phẩm OCOP Cà Mau phát triển mạnh mẽ hơn, vươn xa hơn.

Ảnh: Đồng chí Lê Văn Sử, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh mong muốn các sản phẩm OCOP Cà Mau phát triển mạnh mẽ hơn, vươn xa hơn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Phùng Đức Tiến cho rằng, Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại là sự kiện lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến người sản xuất, người tiêu dùng. Theo đó, đồng chí nhấn mạnh: OCOP là chương trình hỗ trợ các chủ thể sản xuất vừa và nhỏ, sản phẩm OCOP mang đậm nét văn hóa truyền thống bản địa, đặc trưng của địa phương, nhưng quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp; do đó cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và các nhà mua để tham gia thị trường hàng hóa.

Để các sản phẩm OCOP đáp ứng sự vận động của thị trường là cả quá trình, các chủ thể OCOP phải xác định đây là cơ hội để chia sẻ, kết nối, tạo đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, các chủ thể OCOP phải biết được mình có gì, cần gì, thiếu gì? Các nhà mua phải xem đây là thị trường tiềm năng để có những chính sách hỗ trợ các chủ thể, các sản phẩm OCOP đúng mức.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp lớn trong nước, các sàn thương mại điện tử….; để các sản phẩm OCOP gia nhập thị trường tốt, trong thời gian tới phải liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà “Nhà nước, nhà sản xuất, nhà tiêu dùng”, có chính sách để hỗ trợ các sản phẩm OCOP phát triển mạnh hơn. Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP cần chủ động hơn, thay đổi tư duy trong sản xuất và kinh doanh để phù hợp với thị trường.

Ảnh: Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đề nghị phải liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà “Nhà nước, nhà sản xuất, nhà tiêu dùng”

Hội nghị sẽ lắng nghe các chủ thể OCOP, các nhà mua trình bày các tham luận; giới thiệu nhu cầu và yêu cầu của các nhà thương mại để liên kết và tiêu thụ sản phẩm; cùng với đó là giới thiệu các công nghệ sản xuất sản phẩm OCOP và các giải pháp công nghệ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP và ký kết ghi nhớ hợp tác kinh doanh giữa các đơn vị.

Đến nay, tỉnh Cà Mau có 145 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 32 sản phẩm 04 sao, 113 sản phẩm 3 sao (127 sản phẩm thuộc sản phẩm thực phẩm; 10 sản phẩm thuộc sản phẩm đồ uống; 08 sản phẩm thuộc sản phẩm thủ công mỹ nghệ). Tổng số chủ thể được công nhận của 67 chủ thể OCOP, trong đó có 17 công ty/doanh nghiệp, 28 hợp tác xã, 22 hộ kinh doanh.

 

BAN BIÊN TẬP (Tg)

Tag:

File đính kèm