|
Các chuyên gia khu vực và toàn cầu thảo luận về những giải pháp sáng tạo xung quanh các vấn đề đối với sông Mekong. |
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lào, bà Bounkham Vorachith; Đại diện Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC); Đại diện Ủy ban sông Mekong của 4 quốc gia MRC gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam, cùng hơn 600 các chuyên gia khu vực và toàn cầu đến từ các lĩnh vực nước và các nguồn tài nguyên liên quan, năng lượng, lương thực, giao thông, sông xuyên biên giới, quản lý lưu vực sông, quản trị…
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lào nhấn mạnh việc có tới trên 600 đại biểu đại diện cho các chính phủ, tổ chức khu vực, tổ chức phi chính phủ, học viện, khu vực tư nhân và đại diện cộng đồng từ khắp nơi trên thế giới tham dự Hội nghị đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế tới sông Mekong; khẳng định CHDCND Lào cam kết đầy đủ việc phát triển không chỉ bền vững mà còn phải có trách nhiệm. Chính phủ Lào rất coi trọng việc hỗ trợ triển khai và hợp tác với các nước Mekong theo Hiệp định Mekong 1995, khẳng định Hiệp định này cung cấp cho Lào cơ sở để thúc đẩy tinh thần hợp tác và phát triển bền vững và công bằng trong lưu vực sông Mekong.
Bà Bounkham ghi nhận những đóng góp quan trọng của các Đối tác Đối thoại - Trung Quốc và Myanmar - cũng như từ các Đối tác Phát triển và các đối tác khác trong và ngoài khu vực, nhấn mạnh trong bối cảnh khu vực đang trải qua những thay đổi và chuyển đổi nhanh chóng, các bên cần phải hợp tác với nhau mạnh mẽ hơn, cần nhiều hành động chung hơn nữa với tất cả các bên liên quan thông qua các công nghệ đổi mới để có thể chuyển đổi cách quản lý nước trong khu vực, cải thiện việc chia sẻ dữ liệu và thông tin cũng như tăng cường các hệ thống giám sát công nghệ.
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Lào cũng khuyến khích các đại biểu tích cực trao đổi quan điểm, hiểu biết, kiến thức và dữ liệu, đồng thời khẳng định kết quả của Hội nghị quốc tế này rất quan trọng vì sẽ được trình lên tại Hội nghị cấp Bộ trưởng và Hội nghị cấp cao MRC vào ngày 4-5/4 tới.
Trong hai ngày diễn ra Hội nghị quốc tế MRC (2-3/4), đại diện các bên cùng các chuyên gia khu vực và toàn cầu đến từ các lĩnh vực nước và các nguồn tài nguyên liên quan, năng lượng, lương thực, giao thông, sông xuyên biên giới, quản lý lưu vực sông, quản trị và phát triển sẽ trình bày và thảo luận về những nhận thức cập nhật nhất, những giải pháp sáng tạo nhất xung quanh các vấn đề đối với sông Mekong và các lưu vực sông khác.
Được thành lập theo Hiệp định Mekong năm 1995 trên cơ sở hợp tác khu vực trước đó thông qua Ủy ban Mekong thành lập năm 1957, MRC là một tổ chức liên chính phủ gồm 4 nước gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan nhằm quản lý nguồn nước chung và các tài nguyên liên quan của sông Mekong vì sự phát triển bền vững của khu vực Mekong.