Sign In

Chủ động đấu tranh trước âm mưu xuyên tạc, kích động về vấn đề dân tộc, tôn giáo - Bài 2

05:36 13/09/2023

BÀI 2: DÂN “3 VỮNG”, CƠ SỞ “4 MẠNH” ĐẬP TAN ÂM MƯU KẺ XẤU

Chủ động nhận diện âm mưu của kẻ xấu và thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ dân tộc, mất ổn định an ninh trật tự (ANTT), Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, sở, ban, ngành xây dựng thế trận dân “3 vững”, cơ sở “4 mạnh” tạo thế chủ động đập tan âm mưu lôi kéo, dụ dỗ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đi theo tổ chức bất hợp pháp, tôn giáo lạ, gây mâu thuẫn, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Dân “3 vững”…

Trong những chuyến đi công tác nắm tình hình, đời sống đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới có đạo hợp pháp và bất hợp pháp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê quán triệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước theo phương châm dân “3 vững”, cơ sở “4 mạnh” - Dân vững vàng về đời sống kinh tế, an sinh xã hội, tiếp cận được thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước; Cơ sở mạnh về hệ thống chính trị, an ninh, văn hóa, quản lý tôn giáo tạo thế chủ động nhận diện và đấu tranh tại chỗ trước âm mưu của kẻ xấu.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bế Văn Hùng cho biết: Thực hiện phương châm chỉ đạo của Tỉnh ủy, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành, UBND huyện, Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 với 10 dự án, 14 tiểu dự án. Đầu tư điện lưới, đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, công trình nước sạch, thủy lợi có hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội vững chắc cho xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn. Các cơ quan, ban, ngành chức năng, địa phương tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật nông, lâm nghiệp, đào tạo nghề, hỗ trợ giống, cây trồng vật nuôi phù hợp với thế mạnh địa phương tạo điều kiện cho đồng bào DTTS lựa chọn, đa dạng hóa mô hình sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững về đời sống kinh tế; triển khai sâu sát chính sách y tế, văn hóa, giáo dục, bảo hiểm y tế… đảm bảo an sinh xã hội để bà con DTTS yên tâm về quyền được tiếp cận an sinh, nâng cao dân trí, nhận thức xã hội. Tại các vùng có đạo hợp pháp, cán bộ xã quản lý, hướng dẫn bà con DTTS sinh hoạt đúng quy định. Đặc biệt, để bà con DTTS chủ động nắm thông tin, đường lối, chính sách của Đảng, các cấp ủy chú trọng cấp báo Đảng, tổ chức hội nghị thời sự tuyên tuyền chỉ thị, nghị quyết mới của Đảng và triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025”. 

Từ chính sách của Nhà nước hỗ trợ nên bà con xã Thượng Thôn (Hà Quảng) đầu tư phát triển chăn nuôi bò vỗ béo để vươn lên thoát nghèo.
Từ chính sách của Nhà nước hỗ trợ nên bà con xã Thượng Thôn (Hà Quảng) đầu tư phát triển chăn nuôi bò vỗ béo để vươn lên thoát nghèo.

Riêng đối với đồng bào dân tộc Mông, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 30/10/2007 thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về một số công tác trong vùng đồng bào dân tộc Mông; Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị  về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”. Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, chiếu phim lưu động “Sự thật về tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (TCBHPDVM), người Mông không nghe theo kẻ xấu”; “Người Mông theo Đảng, đoàn kết vươn lên” bằng cả tiếng Mông và tiếng phổ thông.

Chúng tôi đến các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hà Quảng, Nguyên Bình… được nghe bà con dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô… nói về dân “3 vững” tạo nên nhịp sống mới tiến bộ. Bà con cho biết từ chính sách, chương trình hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước nhiều hộ nghèo đã phát triển các mô hình chăn nuôi bò, lợn, trồng hồi, sở, quế, trúc sào, dong riềng, rau màu, nếp Ong… vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, bà con được tiếp cận với công nghệ số, Internet giới thiệu sản phẩm bán hàng online, đọc báo Đảng trên điện thoại thông minh… Qua đó, bà con hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng chăm lo đời sống cho các DTTS bình đẳng như nhau, không phân biệt đối xử, kỳ thị dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn (Hà Quảng) Lâm Văn An cho biết: Nhờ có chính sách dân tộc và lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia… xã có nguồn lực để hỗ trợ cho bà con dân tộc Mông, Nùng phát huy thế mạnh nuôi bò vỗ béo, lợn đen, trồng ngô, đỗ, lạc, gừng… vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Trong xã, các hộ dân tộc Mông trước đây bị ảnh hưởng bởi TCBHPDVM, hộ theo đạo Tin lành... đều được thụ hưởng các chính sách dân tộc, an sinh xã hội nên vững vàng vươn lên đổi mới cuộc sống. Đặc biệt, những hộ dân tộc Mông bị ảnh hưởng bởi TCBHPDVM là hộ nghèo được Huyện ủy, Đảng ủy xã quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nên bà con có điểm tựa vững chắc đã từ bỏ tổ chức này. Các tôn giáo được Nhà nước công nhận, cán bộ xã, xóm hướng dẫn bà con tổ chức sinh hoạt đúng quy định pháp luật.

Anh Lý Văn Nó, xóm Sỹ Điêng, xã Thượng Thôn là hộ nghèo, dân tộc Mông cho biết: Gia đình tôi được cán bộ xã xuống hướng dẫn trồng cỏ voi, nuôi bò; công an, MTTQ huyện, xã  giúp làm nhà mới, tu sửa nhà; Bí thư Chi bộ, Người có uy tín trong xóm thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Do đó, gia đình chúng tôi vươn lên trong cuộc sống, không tin theo kẻ xấu dụ dỗ lôi kéo theo đạo lạ trái phép.

Cơ sở “ 4 vững” 

Theo Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Dân vận Tỉnh ủy Vi Xuân Thứ, đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa là địa bàn mà kẻ xấu hướng tới để dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt bà con. Do vậy, xây dựng cơ sở “4 mạnh”: mạnh về hệ thống chính trị cơ sở, an ninh, văn hóa, quản lý tôn giáo, tạo thế chủ động nhận diện và đấu tranh tại chỗ, từ sớm, từ xa trước âm mưu của kẻ xấu.

Cán bộ huyện Hà Quảng, xã Thượng Thôn hỏi thăm ông Lý Văn Páo, dân tộc Mông, người có uy tín xóm Táy Dưới về tình hình dân tộc Mông trên địa bàn.
Cán bộ huyện Hà Quảng, xã Thượng Thôn hỏi thăm ông Lý Văn Páo, dân tộc Mông, người có uy tín xóm Táy Dưới về tình hình dân tộc Mông trên địa bàn.

Với phương châm trên, những năm qua, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Huyện ủy duy trì thực hiện tốt Chỉ thị số 61-CT/TU, ngày 26/3/2015 về “Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác Đảng đối với đội ngũ Bí thư chi bộ xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”; Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 21/11/2016 của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2016 - 2020”; Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 25/9/2017 về công tác cán bộ dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô và các DTTS ít người khác trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025… Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 22/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, hệ thống chính trị cơ sở có trên 3.300 cán bộ xã là DTTS; 20.435 lượt người có uy tín là DTTS, trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 8%.

Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lập (Bảo Lạc) Lầu A Mú cho biết: Tôi là dân tộc Mông nên dễ đồng cảm, hiểu văn hóa, tâm tư của những hộ dân tộc Mông theo TCBHPDVM. Quá trình vận động, tuyên truyền cho bà con, tôi đã phân tích giáo lý mà TCBHPDVM đưa ra sai trái với văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Mông. Đời sống người Mông khó khăn chỉ có chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước mới hỗ trợ cho bà con và các DTTS khác vươn lên thoát nghèo. Qua đó, bà con từ bỏ TCBHPDVM.

Huyện Bảo Lâm có nhiều điểm nhóm tôn giáo hợp pháp và trước đây có một số hộ dân tộc Mông bị ảnh hưởng bởi TCBHPDVM, Bí thư Huyện ủy Đoàn Trọng Hùng cho biết: Những năm qua, Huyện ủy quan tâm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cơ sở là DTTS làm nòng cốt, hiểu về tâm lý, sự đồng cảm với bà con dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô để tuyên truyền, vận động bà con không tin lời kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo theo đạo trái phép. Đồng thời, hỗ trợ bà con đấu tranh khi bị kẻ xấu áp đặt, đe dọa, lôi kéo theo TCBHPDVM và những đạo lạ khác. Bên cạnh đó Công an huyện, Đồn Biên phòng Cốc Pàng tăng cường cán bộ về xã, xóm biên giới nên đã chủ động nắm sâu sát những đối tượng ghi vấn, vấn đề nổi cộm trong dân về an ninh trật tự, tôn giáo. Qua đó, phát hiện đấu tranh từ sớm trước âm mưu kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo gây mất an ninh trật tự… Tháng 5/2023, những hộ dân tộc Mông bị ảnh hưởng bởi TCBHPDVM, “Chữ thập vải đỏ”, sau khi được cán bộ huyện, xã, công an, người có uy tín đến vận động, tuyên truyền đã cam kết từ bỏ tổ chức này, không theo tôn giáo trái pháo luật.

Đặc biệt, huyện quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Nùng… Vận động nghệ nhân DTTS làm hạt nhân xây dựng đội văn nghệ quần chúng xóm, xã truyền dạy dân ca, dân vũ; tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông; Lễ hội chọi bò; ngày hội văn hóa các dân tộc… Bảo tồn và tôn vinh giá trị văn hóa tốt đẹp của DTTS nên bà con ngày càng tự tin bản sắc văn hóa của dân tộc mình, không nghe lời kẻ xấu đến lôi kéo đi theo đạo lạ không phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc… Từ đội ngũ cán bộ cơ sở xã, xóm là người DTTS nên đã tâm huyết đã xây dựng các mô hình dân vận khéo “Quần chúng nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Khéo vận động nhân dân đấu tranh, ngăn chặn, xóa bỏ TCBHPDVM” … thu hút đông đảo bà con hưởng ứng.

Ông Lý Văn Hồng, dân tộc Mông, xóm Nà Luông, xã Quảng Lâm (Bảo Lâm) cho biết: Gia đình tôi biết đến “Chữ thập vải đỏ” là do một số anh em hàng xóm theo đạo này nên gia đình tôi cũng tin theo. Sau khi được cán bộ xã, tổ chức đoàn thể đến tuyên truyền, giải thích “Chữ thập vải đỏ” không phù hợp với văn hóa dân tộc Mông, trái với pháp luật, tôi và gia đình tự nguyện ký cam kết từ bỏ Chữ thập vải đỏ, chấp hành quy định pháp luật.

Phương châm đấu tranh dân “3 vững”, cơ sở “4 mạnh”, từ năm 2016 đến nay, các cấp, ban, ngành triển khai đồng bộ chủ chương, chính sách dân tộc, tôn giáo đầu tư cho vùng đồng bào DTTS đem lại hiệu quả. Hộ nghèo giảm 4 - 5%/năm (khoảng 5.000 hộ, chủ yếu là đồng bào DTTS). 100% đồng bào DTTS được tiếp cận hỗ trợ về an sinh xã hội, thông tin pháp luật, trợ giúp pháp lý, bình đẳng giới… nâng cao đời sống. Các điểm nhóm tôn giáo hợp pháp được hướng dẫn hoạt động đúng pháp luật. Các huyện, xã xây dựng hàng trăm mô hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng, chủ động phát hiện, đấu tranh với âm mưu của kẻ xấu từ cơ sở. Quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống DTTS gắn với xây dựng nông thôn mới, điểm du lịch cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa mới… bà con nâng cao nhận thức không tin lời kẻ xấu lôi kéo theo đạo trái phép. Tháng 5/2023, những hộ dân tộc Mông bị ảnh hưởng bởi TCBHPDVM, Chữ thập vải đỏ”… đã tự nguyện từ bỏ tổ chức trên.

Anh Ngô Văn Bình, dân tộc Dao, xóm Khuổi Vin, xã Lý Bôn (Bảo Lâm) cho biết: Trước đây, trong xóm có hộ dân tộc Mông tin theo TCBHPDVM, dân tộc Dao theo Đạo Tin lành… nhưng bà con đều được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ kỹ thuật, giống vật nuôi, cây trồng, cứu đói giáp hạt, khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà Tết, sửa chữa, làm mới nhà, vay vốn ưu đãi nuôi bò vỗ béo… Hộ theo Đạo Tin lành hằng tuần sinh hoạt đều báo cáo chính quyền xã. Tôi trước đây là Tổ trưởng Tổ Vay vốn tiết kiệm của xóm nên vận động bà con dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước chăm chỉ làm ăn, không tin theo kẻ xấu dụ dỗ theo đạo trái pháp luật… Nhờ có cán bộ của Đảng đến tuyên truyền, vận động nên Khuổi Vin không còn hộ tin theo TCBHPDVM, bà con phấn khởi, động viên nhau vượt khó phát triển kinh tế gia đình.

Bài cuối: Ngăn ngừa, đấu tranh từ sớm, từ xa trước âm mưu thủ đoạn mới

BÀI 1: ÂM MƯU THÂM ĐỘC CỦA KẺ XẤU LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC, TÔN GIÁO

Trường Hà

Tag:

File đính kèm