Sign In

Kinh nghiệm và bài học xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình

20:45 24/10/2023

BÀI 2: CHĂM LO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, VĂN HÓA TINH THẦN CHO ĐỒNG BÀO MÔNG

Những hộ dân tộc Mông bị dụ dỗ, lôi kéo theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (TCBHPDVM) trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao nhận thức, nhận diện rõ hơn những việc làm sai trái của tổ chức này bởi Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành đầu tư, hỗ trợ bà con vươn lên thoát nghèo và làm giàu; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mông, nâng cao hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê cho biết.

Nâng cao đời sống cho bà con, chủ động nhận diện âm mưu kẻ xấu

Trước năm 2010, Cao Bằng có trên 42% hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống ở vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), biên giới. Theo ông Đào Văn Mái, dân tộc Mông, nguyên Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, một trong những nguyên nhân kẻ xấu và thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo một số bộ phận dân tộc Mông đi theo TCBHPDVM là chúng đánh vào đời sống bà con trước đây nghèo khó nên nhận thức còn hạn chế, dễ tin vào lời lẽ mê tín, dị đoan, hoang đường. Nếu không nâng cao đời sống cho bà con rất khó thay đổi về nhận thức. 

Để hỗ trợ bà con dân tộc Mông, trong đó có hộ tin theo TCBHPDVM vươn lên thoát nghèo hiệu quả, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Triệu Đình Lê cho biết: Đặc thù bà con dân tộc Mông ở lẻ trên núi cao. Trước hết cần đầu từ đồng bộ hạ tầng cơ sở để bà con được tiếp cận với các điều kiện phúc lợi xã hội, giao thương kinh tế, nâng cao dân trí. Đồng thời nhìn thấy mặt tích cực của dân tộc Mông có khí chất sống kiên cường, phải khơi thông trúng, đúng thế mạnh, đặc thù sản xuất nông nghiệp của người Mông thì khó mấy bà con cũng quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Với phương châm trên, từ năm 2010 đến nay, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, ngành huy động hàng nghìn tỷ đồng từ các chương trình mục tiêu quốc gia  và chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa… cho 129 xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS toàn tỉnh. Nhờ đó, đồng bào DTTS, trong đó có dân tộc Mông đã có điện, đường, nước sạch, sóng điện thoại... rút ngắn khoảng cách hộ ở lẻ trên các triền núi cao với trung tâm xã, huyện. 

Cán bộ xã, huyện Hà Quảng tuyên truyền vận động bà con dân tộc Mông thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cán bộ xã, huyện Hà Quảng tuyên truyền vận động bà con dân tộc Mông thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

 

Hiện nay, nhờ sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, các xã vùng Lục Khu (Hà Quảng) đều có đường ô tô, xe máy nối liền xã, xóm trên núi cao. Ông Lý Văn Páo, dân tộc Mông, 55 tuổi, người có uy tín, xóm Táy Dưới, xã Thượng Thôn kể lại: Trước năm 1992, bố mẹ tôi nghe lời họ hàng “Nhà mày nghèo phải theo Dương Văn Mình không làm cũng có ăn, ốm đi cúng là khỏi…”. Thế nên tôi đi học giáo lý của TCBHPDVM nhưng không hiểu gì, nhà nghèo vẫn phải nộp tiền, cực khổ lắm… Năm 1993, cả vùng Lục Khu bị hạn hán, mất mùa dân bản đói khát, tôi thấy cán bộ xã, huyện đến khảo sát, hỗ trợ cho bà con xây nhiều bể chứa nước sinh hoạt để mùa mưa hứng nước ăn, hỗ trợ gạo cứu đói... Khi đó, tôi hiểu chỉ có Đảng mới giúp người Mông lúc đói khổ nên tôi từ bỏ TCBHPDVM và sau này phấn đấu vào Đảng. Đến nay, nhờ có Nhà nước đầu tư nên vùng Lục Khu đổi mới: có điện, đường, trẻ em được đi học, người ốm có bệnh viện, hộ nghèo biết làm ăn, không tin vào mê tín dị đoan nên từ bỏ TCBHPDVM. 

Phát huy thế mạnh của dân tộc Mông là nuôi bò, trồng ngô, lạc, đỗ, từ năm 2010 đến nay, huyện Hà Quảng, Bảo Lâm (có nhiều dân tộc Mông) chọn hướng phát triển nuôi bò, lợn đen; trồng ngô, lạc đỏ hàng hóa trở thành hướng đi chủ lực giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Đoàn Trọng Hùng cho biết: Huyện có 50% dân số là dân tộc Mông, trước năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trên 45%. Vì vậy, những năm qua, huyện căn cơ mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, triển khai các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS…, đầu tư đồng bộ hạ tầng cơ sở cho các xã. Riêng xã có nhiều dân tộc Mông ít đất sản xuất, tập trung cải tạo đất ở, đất sản xuất cho bà con yên tâm định cư. Hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống cho hàng nghìn hộ dân tộc Mông trồng cỏ voi, nuôi bò vỗ béo, duy trì đàn bò trên 30.000 con; trồng cây hồi, quế, sở, sả…, đa dạng mô hình sinh kế phù hợp cho người Mông thoát nghèo. Hiện nay, 100% xã có điện, đường, trường, lớp học, trạm y tế và được bố trí cán bộ, giáo viên, y, bác sĩ. Huyện giảm hộ nghèo 4%/năm, có 2.900 đảng viên DTTS/3.200 đảng viên, 160 người có uy tín là DTTS, 100% xóm, bản có chi bộ Đảng.

Đến các xã Thạch Lâm, Lý Bôn, Nam Quang, Nam Cao (Bảo Lâm) hỏi chuyện người Mông vươn lên thoát nghèo, bà con hồ hởi khoe: Những năm qua, cán bộ huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ voi, chăn nuôi bò, trồng rừng, vay vốn nên hộ nghèo biết chăn nuôi bò vỗ béo, trồng hồi, gừng, quế... vươn lên làm giàu. Anh Hầu Văn Thành, dân tộc Mông, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, người có uy tín bản Nà Thằn, xã Thạch Lâm cho biết: Trước năm 2000 do nghèo đói, lạc hậu, thế hệ trước nhẹ dạ tin theo TCBHPDVM nên sau này bắt con cháu phải đi theo. Tôi phân tích cho bà con “Trước đây người Mông nghèo đói, nhà dột nát, khi ốm đau không thấy người của TCBHPDVM đến cứu giúp. Chỉ có cán bộ Đảng, Nhà nước đến cứu đói giáp hạt, xóa nhà dột nát, tập huấn và cho vay vốn chăn nuôi bò, làm kinh tế. Người Mông chúng ta chỉ tin theo Đảng”. Nghe anh Thành phân tích đúng sự thật, bà con thay đổi nhận thức từ bỏ không đi theo TCBHPDVM.

Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông - sức mạnh mềm chính trị

Trước Cách mạng tháng 8/1945, đồng bào Mông tại Cao Bằng một lòng son sắt đi theo Đảng, đoàn kết với các dân tộc anh em, xây dựng căn cứ địa cách mạng cùng Đảng và Bác Hồ đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc giành thắng lợi. Từ kho báu văn hóa trên, Tỉnh ủy luôn quan tâm, phát huy văn hóa dân tộc Mông để tạo thành sức mạnh mềm đập tan âm mưu lợi dụng, biến tướng văn hóa truyền thống dân tộc Mông của TCBHPDVM.

Năm 2016 - 2017, sau khi âm mưu quay trở lại quê (vùng Lục Khu, Hà Quảng) để gây dựng thanh thế bị thất bại, Dương Văn Mình chuyển hướng sang huyện Bảo Lâm (có gần 50% dân tộc Mông) hòng gây dựng địa bàn kết nối với dân tộc Mông các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn chuẩn bị ý đồ biểu dương lực lượng, thách thức chính quyền địa phương. Để thực hiện âm mưu này, Tết Nguyên đán năm 2017, chúng xúi giục hộ tin theo TCBHPDVM tham gia tổ chức “Tết chung” người Mông với 200 - 500 lượt người/ngày, trong đó có đối tượng cầm đầu từ các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn sang tham gia tại Khuổi Vin, xã Lý Bôn (Bảo Lâm) không báo cáo chính quyền, gây mất an ninh trật tự. Tuy đã bị ngăn chặn nhưng chúng vẫn ngoan cố. Trong nhóm đến Khuổi Vin có đối tượng tỏ thái độ thách thức cán bộ, gây bức xúc trong đồng bào DTTS.

Người Mông tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại huyện Bảo Lâm.
Người Mông tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Mông tại huyện Bảo Lâm.

 

Đập tan âm mưu của kẻ xấu, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo huyện Bảo Lâm tổ chức “Ngày hội văn hóa dân tộc Mông” tại các xã, thị trấn trước Tết Nguyên đán năm 2018, 2019. Khi đó, xã Lý Bôn đang là điểm nóng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lý Bôn Tô Văn Đạt kể lại: Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, để ngày hội trở thành ngày hội đoàn kết các dân tộc, tôn vinh văn hóa dân tộc Mông, Đảng ủy xã và tổ chức đoàn thể đến từng xóm vận động nghệ nhân, nam nữ thanh niên và những hộ đi theo TCBHPDVM cùng đem làn điệu dân ca, dân vũ, múa khèn, ném pao, chọn bò to khỏe ra luyện tập để tham dự ngày hội… Tết Nguyên đán năm 2018, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông được tổ chức từ cấp xã đến cấp huyện đã thu hút đông đảo dân tộc Mông và các DTTS cùng chung vui, không ai còn tham gia “Tết chung” người Mông do TCBHPDVM tổ chức, làm thất bại âm mưu của kẻ xấu.

Anh Lý Văn Khềnh, dân tộc Mông, xóm Khuổi Vin, xã Lý Bôn nhớ lại: Người Mông con trai múa khèn giỏi, con gái thổi kèn môi, hát giao duyên ngọt ngào… Trước đây, kẻ xấu tổ chức Tết chung người Mông, họ nhảy múa lung tung, ăn uống nhiều ngày tốn kém, tôi thấy không đúng với văn hóa dân tộc Mông. Khi cán bộ xã đến vận động, mời bà con người Mông đem các làn điệu dân ca, múa khèn, tung còn… chuẩn bị cho ngày hội, tôi tin Đảng, Nhà nước quan tâm, tôn vinh văn hóa dân tộc Mông nên đã từ bỏ TCBHPDVM.

Từ năm 2018 đến nay, 6 huyện duy trì thường niên tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Mông phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho bà con. Với sự quan tâm của các cấp, ngành nhiều giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mông ngày càng được phát huy, số hộ bị ảnh hưởng bởi TCBHPDVM được nâng cao dân trí cùng cộng đồng người Mông xây dựng quy ước nếp sống dân tộc Mông giàu bản sắc và văn minh, xóa bỏ tập quán lạc hậu, mê tín, dị đoan; không tổ chức “Tết chung” người Mông, không tái dựng “nhà đòn”, treo “tấm phông trắng”, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn. Các xóm thành lập đội văn nghệ, nhiều nghệ nhân tích cực truyền dạy văn hóa dân gian; xây dựng Ngày hội văn hóa dân tộc Mông đặc sắc gắn với hoạt động du lịch để phát triển kinh tế - xã hội - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An khẳng định. 

Bài cuối: Đảng tin dân, dân tin Đảng tạo nên sức mạnh

BÀI 1: KINH NGHIỆM LẤY “XÂY” ĐỂ “CHỐNG”

Trường Hà

Tag:

File đính kèm