Ngày 14/9, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn đến kiểm tra, hỗ trợ ngành giáo dục tỉnh khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở GD&ĐT, Văn phòng UBND tỉnh.
Do ảnh hưởng bão số 3, mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; đặc biệt, có 9 giáo viên và học sinh thiệt mạng; 1 học sinh bị thương.
Về cơ sở vật chất, đến nay, có 40 cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng, chủ yếu là do sạt lở, nứt đổ, ngập úng và tốc mái. Cụ thể các huyện bị ảnh hưởng gồm: Thành phố 3 trường; huyện Bảo Lâm 5 trường; Bảo Lạc 10 trường; Nguyên Bình 6 trường; Quảng Hòa 6 trường; Trùng Khánh 2 trường; Hà Quảng 4 trường; Thạch An 2 trường; Hòa An 2 trường.
Ngay khi nhận được các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của cơn bão số 3, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các công điện của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh; tổ chức trực 24/24h; tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời diễn biến và ảnh hưởng của cơn bão báo cáo về Sở GDĐT, cơ quan chức năng. Chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên nghỉ học (cấp THCS, THPT nghỉ đến hết ngày 13/9; cấp mầm non, tiểu học nghỉ hết ngày 15/9); sau ngày cho phép nghỉ học, tùy theo tình hình thực tiễn các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động dạy và học.
Đối với các trường bị ngập úng, khi nước rút các nhà trường đã chủ động tiến hành vệ sinh, khử khuẩn, sắp xếp lại trường lớp học; các điểm trường bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, chủ động di dời người, tài sản đến nơi an toàn; tiến hành rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên khi trở lại trường học. Các cơ sở giáo dục chủ động bố trí, huy động, kêu gọi các nguồn xã hội hóa hỗ trợ học sinh nhu yếu phẩm, sách vở, đồ dùng...
Sở GD&ĐT chỉ đạo rà soát, thống kê danh sách cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng của bão; phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ cho các nhà trường, học sinh bị ảnh hưởng của bão. Đến nay, Sở GD&ĐT có tờ trình về việc cấp bổ sung kinh phí năm 2024 cải tạo, sửa chữa tài sản công, khắc phục hậu quả thiên tai tại các cơ sở giáo dục với tổng kinh phí 3,8 tỷ đồng...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao những nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, ngành giáo dục đã khắc phục khó khăn do cơn bão số 3 gây ra. Đề nghị, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình của giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, kịp thời hỗ trợ để giáo viên, học sinh sớm trở lại trường học; có những giải pháp hỗ trợ, động viên, tư vấn tâm lý, tinh thần cho giáo viên, học sinh. Tiếp tục thống kê thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp học; vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường, lớp học; rà soát, đánh giá độ an toàn tại các điểm trường theo tinh thần nơi nào an toàn mới đưa học sinh trở lại học. Đồng thời, có văn bản chỉ đạo tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học một cách phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên lớp đầu cấp và cuối cấp, phát huy tinh thần "4 tại chỗ" để sớm tổ chức dạy học; phối hợp với các cấp, ngành tổ chức giải ngân kinh phí hỗ trợ cho ngành Giáo dục khẩn trương, kịp thời, đúng mục đích, hiệu quả, phải đảm bảo theo đúng quy định. Mong muốn, tỉnh tiếp tục quan tâm ngành Giáo dục, phân bổ kinh phí hỗ trợ để khắc phục, cơ sở vật chất.
Dịp này, Bộ GD&ĐT trao 1 tỷ đồng hỗ trợ ngành Giáo dục tỉnh khắc phục hậu quả của cơn bão số 3; Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà tặng 15.000 bộ đồ dùng học tập, trị giá 450 triệu đồng; tài trợ toàn bộ đồ dùng học tập cho các em học sinh bị mất cả cha, mẹ do cơn bão số 3 đến năm lớp 12.
Trước đó, đoàn công tác Bộ GD&ĐT thăm, động viên và tặng quà Trường mầm mon 1/6 (Thành phố) bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua.
Thế Hiển