|
Ông Nghiêm Văn Chuẩn. |
* Thưa ông, trải qua 20 năm, công tác kết nghĩa đã có sự đổi mới về nội dung, cách làm như thế nào để phù hợp với từng giai đoạn thực tiễn?
Công tác kết nghĩa bắt đầu từ năm 2004, trong bối cảnh kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển chậm; an ninh nông thôn có thời điểm diễn biến phức tạp; hệ thống chính trị ở cơ sở còn yếu, chưa giải quyết và xử lý được các vụ việc xảy ra tại địa phương.
Xuất phát từ tình hình trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với buôn DTTS, bắt đầu bằng việc tăng cường cử cán bộ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân vùng đồng bào DTTS. Cán bộ về buôn vừa nắm bắt tình hình, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác phát động quần chúng, vận động người dân tham gia phong trào thi đua yêu nước, nâng cao cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu và các thế lực thù địch. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị cũng lồng ghép, huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ bà con buôn kết nghĩa xây dựng nhà ở; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; khích lệ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; hướng dẫn xây dựng hương ước, quy ước, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức các lớp xóa mù chữ…
Từ những kết quả tích cực bước đầu, công tác kết nghĩa dần được mở rộng, lan tỏa đến các thành phần kinh tế tư nhân, trường học, bệnh viện, các đoàn thể, hội quần chúng, hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội… tạo môi trường cho cán bộ, đảng viên nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ thêm gần dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân. Nhiều xã, phường, thị trấn, thôn, buôn, tổ dân phố người Kinh cũng tổ chức kết nghĩa với buôn đồng bào DTTS; hộ gia đình người Kinh kết nghĩa với hộ đồng bào DTTS. Các đơn vị, địa phương cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh việc phân công các đơn vị kết nghĩa phù hợp; tổ chức sơ kết, tổng kết các nội dung công tác kết nghĩa, kịp thời động viên, khích lệ các mô hình hay, cách làm hiệu quả và đề ra phương hướng, nhiệm vụ bám sát theo yêu cầu thực tiễn.
|
Chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 198 cùng người dân buôn Ea Kmăt (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) vệ sinh các trục đường giao thông. |
* Công tác kết nghĩa đã có những đóng góp như thế nào trong việc góp phần ổn định tình hình an ninh – trật tự, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con vùng đồng bào DTTS, thưa ông?
Trong 20 năm qua, công tác kết nghĩa đã trở thành hoạt động thường xuyên của hầu hết các cơ quan, đơn vị, tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các cơ quan, đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương; giữa cán bộ, công chức với đồng bào DTTS. Thông qua công tác kết nghĩa, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn đến người dân vùng DTTS; giúp đồng bào nhận thức rõ hơn sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước với đồng bào DTTS; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; giữ ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.
Bằng tình cảm và trách nhiệm, các cơ quan, đơn vị đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ buôn kết nghĩa từng bước xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã thực sự phát huy hiệu quả, được bà con duy trì và nhân rộng. Hoạt động văn hóa - xã hội ở buôn phong phú hơn; quy ước, hương ước của buôn được xây dựng và phát huy hiệu quả, xóa bỏ dần tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, góp phần thay đổi dần tập quán canh tác lạc hậu cùng tâm lý trông chờ, ỷ lại; phát huy ý chí tự lực, tự cường của bà con vùng đồng bào DTTS. Hệ thống chính trị cơ sở được kiện toàn, củng cố và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của các địa phương.
* Thời gian tới, công tác kết nghĩa cần tiếp tục có những đổi mới nào để phù hợp hơn với nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới, thưa ông?
Kết quả công tác kết nghĩa thời gian qua đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc; được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cùng đồng bào các dân tộc đồng tình hưởng ứng.
Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài. Do đó, cần tiếp tục đổi mới về cả nội dung và hình thức phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và nhiệm vụ trong tình hình mới gắn với việc thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 25/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giai đoạn 2022 - 2026”; đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm ngay tại địa phương; tiếp tục động viên, khích lệ người dân phát huy nội lực, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Đinh Nga (thực hiện)