Gia đình anh Y Nghiêm, bon U1, thị trấn Ea T’ling sống chủ yếu từ trồng cà phê. Hàng năm, anh Y Nghiêm đều phải bỏ ra nguồn vốn lớn để đầu tư công chăm sóc, cải tạo vườn cây, mua phân bón, dụng cụ phục vụ sản xuất… Có những thời điểm khó khăn nên việc xoay xở tiền đầu tư rất vất vả.
Từ năm 2022, anh Y Nghiêm được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại theo Nghị quyết số 18. Với số tiền 250 triệu vay từ ngân hàng, gia đình anh Y Nghiêm được hỗ trợ tiền lãi suất lên đến 6 triệu đồng. Anh Y Nghiêm chia sẻ: “Số tiền gia đình cần để đầu tư cho vườn cây hàng năm tương đối lớn, lãi suất khá nhiều nên tôi không dám vay, nhiều vì lo khi thu hoạch xong sẽ không đủ để trả gốc và lãi. Với số tiền được vay tôi đã đầu tư phân bón, cải tạo lại vườn cà phê, mua thêm các nông cụ phục vụ quá trình chăm sóc vườn cây. Nhờ vậy, năng suất thu hoạch cà phê năm vừa qua đạt cao hơn những năm trước".
Theo bà H’Oanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea T’ling, thực hiện Nghị quyết số 18, toàn thị trấn có 177 hộ đồng bào DTTS tại chỗ được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại, với tổng số tiền 147 triệu đồng. “Được hỗ trợ lãi suất, nhiều hộ đồng bào DTTS tại chỗ đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Địa phương tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân tiếp cận vốn vay. Các đoàn thể địa phương lồng ghép, phối hợp tuyên truyền, tư vấn người dân sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả nhất”, bà H’Oanh cho hay.
“
Đối tượng được thụ hưởng theo Nghị quyết số 18 là hộ đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh (kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người đồng bào DTTS tại chỗ): M'nông, Mạ, Ê đê. Mức hỗ trợ lãi suất bằng 40% số tiền lãi suất và không quá 10 triệu đồng/hộ gia đình/năm. Người dân có thể vay vốn ở tất cả các ngân hàng thương mại.
Tính đến ngày 10/3/2024, huyện Cư Jút đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các hộ đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn huyện là 304 lượt hộ, với tổng số tiền hỗ trợ là trên 1,5 tỷ đồng. Nguồn vốn được vay hỗ trợ lãi suất đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân khi vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết số 18 tại Cư Jút còn gặp nhiều khó khăn như người dân không có đủ khả năng để vay vốn; không có đất hoặc không biết lên kế hoạch đầu tư sản xuất; người dân còn e ngại, chưa mạnh dạn để vay vốn phát triển sản xuất. Ông Vũ Văn Bính, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho biết: "Thời gian tới, huyện sẽ tập trung nguồn nhân lực, rà soát, sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện nghị quyết để kịp thời phát hiện, khắc phục những phát sinh trong thực tế, giúp người dân tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả nhất”.
Mới đây, qua khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 18, Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Đắk Nông đề nghị huyện Cư Jút có giải pháp phù hợp đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đối tượng được thụ hưởng chính sách. Các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong rà soát đối tượng, hỗ trợ người dân làm hồ sơ, hướng dẫn người dân sử dụng đúng, hiệu quả nguồn vốn vay.