Sign In

Đắk Nông chú trọng công tác dân vận, tạo đồng thuận khi triển khai dự án

06:00 01/09/2024
Trong quá trình triển khai các dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Đắk Nông luôn chú trọng đến công tác dân vận, góp phần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, hạn chế những khiếu kiện, khiếu nại liên quan.

Tuyên truyền, vận động đi trước

Trước tình hình một số địa phương khi triển khai dự án còn gặp nhiều khó khăn, xảy ra khiếu kiện đông người, kéo dài, vào tháng 4/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 41-KH/TU về “Công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư”, với yêu cầu tuyên truyền, vận động phải đi trước một bước.

left center right del
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư được tỉnh quan tâm chỉ đạo (Ảnh: Lê Phước)

 

Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung vào cuộc. Bên cạnh tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, công chức, người dân về Kế hoạch 41, các địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch phù hợp để triển khai đồng bộ tại địa bàn.

Đồng chí Hà Thị Hạnh, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Đắk Nông cho biết: Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ trì, cùng với mặt trận, các đoàn thể ký kết nhiều chương trình phối hợp với chính quyền, lực lượng vũ trang nhằm đẩy mạnh công tác dân vận cũng như thực hiện vai trò giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước khi triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn có liên quan đến người dân.

Các đợt phát động quần chúng thường xuyên được tổ chức để tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản liên quan đến Kế hoạch 41. Đội ngũ cán bộ cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận, nâng cao trách nhiệm, kỹ năng tuyên truyền, vận động, nói cho dân hiểu, dân tin.

Ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa cho biết, là đô thị mới nên Gia Nghĩa có rất nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội cần được triển khai và hầu hết đều liên quan đến đất đai của người dân. Thực hiện Kế hoạch số 41, Thành ủy Gia Nghĩa đã ban hành Kế hoạch số 56 để đẩy mạnh công tác dân vận trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng các dự án một cách phù hợp.

Nhờ đa số người dân đồng thuận, sẵn sàng di dời, nhường đất cho các dự án, đô thị Gia Nghĩa mới có bộ mặt khang trang như hiện nay.

Ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa

Bảo đảm hài hòa lợi ích

Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giai đoạn chuẩn bị quy hoạch, xây dựng dự án, cấp ủy chỉ đạo chính quyền phối hợp với chủ dự án tiến hành tổ chức họp dân, lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của người dân, mặt trận, các đoàn thể liên quan đến dự án để bổ sung, hoàn thiện dự án. Nếu là đất của đồng bào dân tộc thiểu số đang canh tác hoặc đất mồ mả, đất rừng thiêng theo phong tục, thì phải tách ra khỏi vùng dự án nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân và không ảnh hưởng đến văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc.

left center right del
Lãnh đạo TP. Gia Nghĩa có mặt tại các điểm nóng về giải toả đền bù để vận động người dân sớm giao mặt bằng (Ảnh: Lê Phước)

 

Sau khi có quyết định phê duyệt dự án, cấp ủy, chính quyền các cấp công khai với người dân về nội dung liên quan của dự án bằng nhiều hình thức nhằm giúp người dân hiểu đúng, hiểu đủ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, quyền lợi khi dự án triển khai để tích cực tham gia thực hiện. Chính quyền phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức họp tất cả các hộ dân để thông báo chủ trương, công khai quy hoạch chi tiết tại các khu dân cư, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân.

Bên cạnh đó, trước khi đưa các dự án vào thực hiện, hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thành lập, có sự tham gia của mặt trận, các đoàn thể, có trách nhiệm kết hợp với chính quyền thông báo cho các hộ dân về chủ trương liên quan để mọi người hiểu và đồng thuận triển khai.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án và tổ chức đền bù, thu hồi đất, tái định cư, các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng và ý kiến tham gia góp ý, thắc mắc, kiến nghị, đơn thư, khiếu nại, tố cáo của người dân để kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách, giá cả đền bù, hỗ trợ…

Cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng lịch tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân để nắm tình hình, giải đáp thắc mắc, nếu còn vướng mắc, sẽ thành lập tổ công tác, phân công nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người dân trong vùng dự án.

Khi có khiếu kiện đông người, phức tạp, cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại với dân và phân công trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân tiến hành vận động tập trung và cá biệt theo các nhóm đối tượng. Chủ đầu tư, nhà thầu và các cấp chính quyền xem xét lại quá trình thực hiện các khâu trong triển khai dự án để có giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Mặt trận chủ trì, dẫn đầu các đoàn vận động đã đến từng hộ gia đình để vận động, thuyết phục, lắng nghe tâm tư nguyện vọng cũng như thông cảm sâu sắc với những khó khăn của người dân trong vùng dự án...

Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với mặt trận, các đoàn thể còn tổ chức khảo sát thực tế các dự án và đề xuất nhiều biện pháp để giải quyết kịp thời, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

Ông Nguyễn Tấn Thắng, phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa cho biết: “Thời gian qua, đất của gia đình tôi nằm trong khu vực thuộc diện phải giải tỏa để thực hiện dự án của tỉnh, nên tôi cũng có lúc chưa hài lòng, phải làm đơn khiếu nại. Tuy nhiên, được lãnh đạo tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại, giải thích rõ ràng nên gia đình tôi đã đồng thuận bàn giao mặt bằng, tạo thuận lợi cho việc triển khai dự án”.

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng nhìn chung, sau khi có Kế hoạch số 41, công tác dân vận tham gia trong quá trình thực hiện các dự án liên quan đến người dân đạt hiệu quả, có nhiều chuyển biến tích cực, giảm bớt đơn thư khiếu nại, bảo đảm quyền, lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể cùng vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân trong vùng dự án nên đa số các hộ dân đã chấp hành bàn giao mặt bằng, hạn chế khiếu kiện, nhất là khiếu kiện đông người.

left center right del
Công tác dân vận được toàn hệ thống chính trị vào cuộc

 

Từ hiệu quả thực tế, một bài học kinh nghiệm quan trọng mà cấp ủy, chính quyền các cấp luôn cần quan tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phải làm chặt chẽ, kiên trì, chắc chắn từng bước một. Cùng với công khai, minh bạch trong tất cả các khâu, quy chế dân chủ cơ sở cần phải thực hiện tốt theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong tất cả các dự án ngay từ khi khảo sát.

Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội bên cạnh tăng cường tuyên truyền, vận động thì còn phải làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tạo điều kiện cho người dân phát huy quyền làm chủ trong triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh.

Tag:

File đính kèm