(CTT-Đồng Nai) - Hạ tầng giao thông được xác định là một trong những đột phá phát triển của tỉnh với mục tiêu đầu tư xây dựng khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu để tạo động lực phát triển mới. Sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến sẽ khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên trong tháng 9-2026
Hạ tầng giao thông là lợi thế thúc đẩy phát triển
Đồng Nai có vị trí nằm ở trung tâm của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đồng thời là trung tâm giao thông lớn, quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được trung ương cũng như địa phương dành ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện, đồng bộ.
Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là dự án đầu tư xây dựng lớn nhất cả nước từ trước đến nay, đây cũng là dự án hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng của quốc gia được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá về tầm quan trọng của Sân bay Long Thành về mặt giao thông, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho hay, Sân bay Long Thành sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề chiến lược cơ bản ở tầm quốc gia, tầm vùng chứ không chỉ riêng cho Đồng Nai trong bối cảnh đua tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Trong đó, có việc giúp giải quyết tắc nghẽn lâu nay là tắc nghẽn về hàng không, giao thông đô thị. “Chính vì vậy, đầu tiên, Sân bay Long Thành mang sứ mệnh giải quyết tắc nghẽn của quốc gia, kết nối vùng và kết nối Việt Nam với thế giới”, PGS-TS Trần Đình Thiên cho biết.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, quy hoạch phải phát huy được tất cả những lợi thế cạnh tranh của mình so với các địa phương khác. Với Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, tỉnh xác định vị trí địa lý, lợi thế từ sông Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch và đặc biệt là Sân bay Long Thành chính là những lợi thế so sánh của Đồng Nai so với các địa phương khác.
Bên cạnh Sân bay Long Thành, lợi thế so sánh về hạ tầng giao thông của Đồng Nai còn được “cộng hưởng” thêm với hàng loạt các dự án đường cao tốc, đường vành đai đã và đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho hay, hiện Đồng Nai có 5 tuyến đường cao tốc và 2 tuyến đường vành đai đã và đang được đầu tư xây dựng. “Đồng Nai hiện là địa phương đứng thứ 3 cả nước về chiều dài các tuyến đường cao tốc sau Hà Nội và Nghệ An”, ông Nguyễn Bôn cho biết.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn đi qua địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn thi công hoàn thiện
Tìm nguồn vốn đầu tư
Với Sân bay Long Thành, để lan tỏa động lực phát triển, hiện nay, Đồng Nai đã triển khai đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối như các tuyến đường tỉnh 25B, 25C, 769, 770B, 773. Cũng với hệ thống đường bộ, trong Quy hoạch tỉnh, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới 12 tuyến đường tỉnh. Đồng thời, nâng cấp mở rộng, hoàn thành 10 tuyến giao thông hiện hữu trọng điểm của tỉnh, bảo đảm kết nối các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho phát triển du lịch, phát triển đô thị mới, kết nối các khu vực phát triển của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, hiện nay, Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD để phát triển hạ tầng các vùng động lực quanh Sân bay Long Thành.
Ngoài hệ thống đường bộ, trong Quy hoạch tỉnh cũng xác định sẽ đầu tư phát triển thêm các loại hình giao thông khác nhằm tạo thêm động lực phát triển mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay, sau hàng thập kỷ tăng trưởng ở mức cao, kinh tế tỉnh Đồng Nai những năm gần đây có dấu hiệu chựng lại và tốc độ suy giảm rõ rệt, dẫn đến khả năng tụt hậu so với các địa phương chung quanh. Một trong những nguyên nhân được nhận diện là hệ thống hạ tầng giao thông chưa theo kịp nhu cầu phát triển.
Theo ông Nguyễn Bôn, ngoài yếu tố thiếu đồng bộ, “điểm nghẽn” lớn về giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua chính là việc phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống đường bộ. Chính vì vậy, trong Quy hoạch tỉnh, các loại hình giao thông khác như đường sắt, đường thủy, đường hàng không cũng đã được xác định mức độ đầu tư phù hợp.
Cụ thể, đối với giao thông đường thủy, tỉnh sẽ phát triển đa mục tiêu, vừa đảm bảo nhu cầu vận tải hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh, vừa đảm bảo phục vụ phát triển du lịch, nghỉ dưỡng,… vừa phối hợp với ngành thủy lợi đảm bảo nhu cầu nước tưới tiêu, sinh hoạt và dự trữ nước cho Vùng Đông Nam bộ.
Về đường sắt, Đồng Nai sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư các tuyến đường sắt quốc gia đi qua địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động đề xuất hệ thống giao thông kết nối tại các nhà ga, tổ chức phát triển TOD tại các nhà ga. Phát triển các tuyến đường sắt đô thị vận chuyển hành khách kết nối từ Biên Hòa, từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Sân bay Long Thành.