Sign In

Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT)

08:33 21/02/2024
Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT

 

Cán bộ, công chức (CB,CC) là mảnh ghép quan trọng trong toàn cảnh bức tranh về hệ thống chính trị của Việt Nam. CB,CC là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, có vai trò “cụ thể hóa, hiện thực hóa” và thi hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đời sống kinh tế - xã hội. Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình đòi hỏi đội ngũ CB,CC phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giải quyết công việc, phẩm chất đạo đức cách mạng và trình độ LLCT. Theo quan điểm V.I.Lênin, Ông cho rằng: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra [1]. Phải làm sao cho học thức thật sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta [2]”, điều này có thể thấy ông rất coi trọng việc trang bị tri thức và xác định “con người chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình”. Cùng quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc [3]”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém [4]”, để có được cán bộ tốt, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức chính trị thì phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng được xem như “đòn bẩy” để nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CC, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ để phục vụ Nhân dân, muốn như vậy mỗi CB,CC phải nhận thức rõ: “Học để hiểu, để làm việc, học để phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân, học để làm người. Phải có thói quen đem lý luận liên hệ với thực tiễn, đem những lý luận đã tiếp thu được cùng với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong đời sống hàng ngày mà áp dụng vào các công việc thực tế”.
Tiếp thu các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ [5]”. Để thực hiện tốt công tác cán bộ thì một trong những khâu trọng yếu chính là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đào tạo nâng cao trình độ LLCT. Đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và của bản thân mỗi người cán bộ, đó là, quá trình làm cho mỗi CB,CC thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần học tập suốt đời, học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, gắn học tập với rèn luyện phẩm chất đạo đức - chính trị và tư cách người cách mạng.

left center right del
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh tổ chức bế giảng và trao bằng lớp Hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị mở tại Đồng Nai

Nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng CB,CC nói chung và đào tạo, bồi dưỡng LLCT nói riêng, trong những năm gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác phối hợp đào tạo LLCT cho CB,CC của tỉnh. Theo thống kê từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với các đơn vị, địa phương cử 38,078 lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh, trong đó, đã cử 308 đồng chí tham gia các lớp cao cấp LLCT (hệ tập trung và hệ không tập trung), 12 đồng chí tham gia các lớp Đại học chính trị văn bằng 2, 20 đồng chí tham gia các lớp thạc sĩ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực II chủ trì tổ chức; tổ chức 10 lớp hoàn chỉnh chương trình cao cấp LLCT cho 588 đồng chí đủ điều kiện theo quy định và hơn 2.192 lượt CB,CC tham gia các lớp đào tạo chương trình trung cấp LLCT.

left center right del
Bế giảng và trao bằng lớp Trung cấp LLCT hệ tập trung K80 năm 2024

Có được những thành quả trên là nhờ sự nhận thức của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng của các cơ sở đào tạo và ý thức, trách nhiệm của bản thân từng CB,CC khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Qua đó, có thể nhận thấy công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT của tỉnh đã cơ bản đi vào chiều sâu với kế hoạch và lộ trình cụ thể, chương trình đào tạo phù hợp với năng lực, đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ của CB,CC. Sau đào tạo, đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức vận dụng lý luận vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa về trình độ LLCT, chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Trung ương và Tỉnh ủy; từ đó, đã có nhiều đồng chí được cấp ủy đảng, chính quyền tin tưởng và được xem xét bố trí, đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý trong cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm, mặt tích cực, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau: Một là, đào tạo, bồi dưỡng LLCT hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên nhìn chung vẫn chưa sát với yêu cầu thực tiễn, chưa thực sự gắn với quy hoạch, đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ, nguyên nhân từ cả khách quan và chủ quan, từ chỉ tiêu phân bổ đến chương trình, kế hoạch đào tạo; phương pháp đào tạo, bồi dưỡng tuy có đổi mới nhưng chưa mang lại sự đột phá, một số nội dung, chương trình còn chồng chéo, hạn chế về tính ứng dụng, tính thời sự và tính hội nhập, cụ thể như chương trình đào tạo sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị chưa mang tính liên thông thống nhất, một số môn còn trùng lặp với chương trình giáo dục đại học, cao đẳng (Tư tưởng Hồ Chí Minh, Triết học, Chủ nghĩa Mác - Lênin,… ); chương trình cao cấp lý luận chính trị tuy được đổi mới nhưng còn nặng về lý luận, chưa thật sự gắn với thực tiễn để giải thích, làm rõ các vấn đề mang tính thời sự mà dư luận xã hội quan tâm; chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chưa mang nhiều tính đổi mới. Thứ hai, công tác phối hợp tổ chức đào tạo LLCT đã được thực hiện chặt chẽ, khoa học và cơ bản bám sát chương trình, kế hoạch đề ra. Song, việc phối hợp trong đánh giá mức độ học tập và rèn luyện của học viên hiện nay còn khá hạn chế, một phần nguyên nhân xuất phát từ việc thông tin về tình hình học tập của CB,CC có lúc chưa được thường xuyên, kịp thời giữa cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học và các cơ sở đào tạo, việc đánh giá cán bộ sau quá trình đào tạo hiện nay chủ yếu dựa trên kết quả học tập, bảng điểm của cán bộ, chưa đánh giá sâu về mức độ rèn luyện, phẩm chất đạo đức, tinh thần học tập gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác theo dõi, quản lý đào tạo có lúc có nơi còn mang tính hình thức, có nơi việc chấp hành quy chế đào tạo chưa thật sự nghiêm cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác giảng dạy và học tập. Ba là, một số đơn vị, địa phương còn chạy theo số lượng trong công tác chọn cử cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng về LLCT. Chọn cử cán bộ tham gia đào tạo thiếu khoa học, trùng lặp, chồng chéo giữa các lớp đào tạo. Xét cử cán bộ đi đào tạo chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện so với quy định vẫn còn xảy ra khá phổ biến, nhiều cán bộ chưa được quy hoạch cấp trưởng phòng và tương đương hoặc cấp ủy viên cấp huyện và tương đương vẫn được đăng ký cử tham gia đào tạo cao cấp LLCT; một số đồng chí vừa được tuyển dụng đã được cử đi đào tạo; một số trường hợp khác chưa đảm bảo về độ tuổi, thời gian công tác, chức vụ,… Bốn là, đối với đào tạo trung cấp LLCT tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng lớp đào tạo và chất lượng công tác giảng dạy nhưng việc xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp đào tạo vẫn còn “bị động” và dàn trải, nguyên nhân do công tác rà soát, nắm bắt nhu cầu đào tạo của các đơn vị, địa phương thực hiện chưa thật sự tốt, thường xuyên và đồng bộ với công tác tuyển dụng, quy hoạch nguồn cán bộ để đào tạo. Một số đơn vị, địa phương có xu hướng cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học mở tại địa phương, đơn vị để cán bộ vừa học tập nâng cao trình độ LLCT vừa xử công việc chuyên môn được phân công, điều này đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế như: gây sự mất cân bằng trong việc phân bổ chỉ tiêu về công tác đào tạo, bồi dưỡng trung cấp LLCT; gây áp lực đối với Trường Chính trị tỉnh vì phải phân bổ nguồn nhân lực dàn trải để thực hiện công tác giảng dạy; ảnh hưởng đến chất lượng công tác đào tạo do quá trình đào tạo thiếu tính liên tục, cán bộ vừa học học xử lý công việc chuyên môn nên việc thẩm thấu lý luận và vận dụng lý luận vào thực tiễn chưa cao,… Năm là, đào tạo sơ cấp LLCCT hiện nay chỉ còn mang tính hình thức do chưa có sự đồng bộ, thống nhất quy định về sự liên thông giữa các bậc đào tạo LLCT, thực tế cho thấy hiện nay phần lớn các đơn vị, địa phương đều cử cán bộ, công chức tham gia đào tạo trung cấp, cao cấp LLCT mà bỏ qua hình thức đào tạo sơ cấp chính trị, nguyên nhân do các quy định về tiêu chuẩn CB,CC hiện nay đòi hỏi CB,CC từ cấp xã trở lên ít nhất phải đạt trình độ trung cấp LLCT mà không quy định đối với sơ cấp LLCT, điều này dẫn đến sự bất cập và lãng phí nguồn lực của các Trung tâm chính trị cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo LLCT.
Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các tác động đến từ kỷ nguyên công nghệ có thể chi phối, tác động tiêu cực đối với tư duy, nhận thức và hành vi của cán bộ, công chức. Để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho đội ngũ CB,CC, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt công tác đào tạo và quản lý đánh giá cán bộ sau đào tạo. Thường xuyên thực hiện rà soát trình độ CB,CC, phân loại đào tạo theo từng chức danh, từ đó, đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng làm căn cứ để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo bồi dưỡng phù hợp. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ và khoa học trong công tác rà soát đối tượng, mở lớp, quản lý học viên, nắm bắt tình hình học tập của cán bộ và kịp thời giải quyết các vướng mắc nảy sinh trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện phân công trách nhiệm giữa cơ quan cử cán bộ đi học và cơ sở đào tạo một cách hợp lý, khoa học. Các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thường xuyên đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và hiệu quả công tác của cán bộ sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng, từ đó xem xét, đánh giá nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng LLCT.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và học tập LLCT bắt đầu từ việc thay đổi tư duy nhận thức về công tác đào tạo, bồi dưỡng. Nghiên cứu biến quá trình “đào tạo” thành “tự đào tạo” trong bản thân từng CB,CC, có như vậy nhận thức về lý luận của cán bộ mới bền vững, lý luận mới có thể vận dụng và áp dụng vào giải quyết các vấn đề thực tế đề ra; để làm được điều đó, các cơ sở đào tạo cần có đánh giá định kỳ, phân tích - xem xét có thể bổ sung một số nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng CB,CC trên cơ sở phù hợp với tình hình, nhiệm vụ chính trị đặt ra; đặt biệt chú trọng vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ công tác giảng dạy; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị để phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học. Nghiên cứu thí điểm mô hình liên kết, phối hợp các cơ sở đào tạo hoặc các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên địa bàn để triển khai chương trình, kế hoạch cử học viên đi học tập thực tế về một số chuyên đề, lĩnh vực cần thiết.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, bổ sung nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc, thiết thực, phù hợp với từng loại chức danh cán bộ, đặc biệt là cán bộ quy hoạch các chức danh chủ chốt các cấp. Tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, rút ngắn thời gian đào tạo phù hợp, đảm bảo tính kế thừa, thống nhất giữa các chương trình học LLCT; bậc đào tạo càng cao, nội dung càng chuyên sâu, tránh trùng lặp nội dung ở các hệ, bậc học dưới.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác phối kết hợp trong đánh giá quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm tiền đề trong công tác sử dụng, bố trí cán bộ. Việc phối kết hợp trong đánh giá kết quả học tập và việc gắn kết quả đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng cán bộ là biện pháp cơ bản, thiết thực trong công tác cán bộ, bởi sử dụng cán bộ là kết quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà không sử dụng tốt, không đúng vị trí sẽ không phát huy được hiệu quả của quá trình đào tạo; ngược lại, đào tạo mà không có kế hoạch sử dụng sẽ gây lãng phí về kinh tế, cán bộ thiếu an tâm học tập, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cán bộ và quá trình đào tạo cán bộ.
Thứ năm, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu về công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT và quản lý, đánh giá cán bộ. Đổi mới quy trình, cách thức, chương trình đào tạo, bồi dưỡng hướng đến xây dựng đội ngũ CB,CC đủ phẩm chất, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Thứ sáu, chú trọng hơn về phương pháp luận, tính định hướng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý đảm bảo tính cơ bản, hệ thống, hiện đại và thực tiễn; bám sát các quan điểm của Đảng, nhất là những quan điểm đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, quyết nghị thông qua.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có nhiều bước chuyển biến tích cực, số lượng và chất lượng cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nói chung và đào tạo LLCT nói riêng được xác định là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài mà cả hệ thống chính trị của tỉnh phải chung tay thực hiện. Để làm được điều đó đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT phải thường xuyên được đổi mới, nội dung lý luận gắn kết chặt chẽ với yêu cầu thực tiễn đặt ra, phải song hành cùng với việc vận dụng, giải quyết tình huống thực tế; đào tạo phải bám sát quy hoạch tạo nguồn và yêu cầu về công tác cán bộ; nhận thức về đào tạo LLCT của mỗi CB,CC phải thay đổi, xác định việc “tự đào tạo” là phương thức cốt lõi trong học tập, nâng cao trình độ LLCT.

Bùi Văn Tân


[1] V.I.LÊNIN, Toàn tập, tập 41, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, Trang 362
[2] V.I.LÊNIN, Toàn tập, tập 45, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, Trang 444
[3] HỒ CHÍ MINH: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, Trang 309
[4] HỒ CHÍ MINH: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, Trang 313
[5] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,
Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, Trang 27. 


Tag:

File đính kèm