Sign In

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ - Biện pháp quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) tỉnh Đồng Nai

10:45 22/03/2024
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ - Biện pháp quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống trong CB,ĐV tỉnh Đồng Nai

 Thực hiện Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và Kế hoạch số 85-KH/TU, ngày 15/10/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ CB,ĐV”, Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch số 73-KH/BTCTU, ngày 03/01/2024 dự, giám sát nội dung sinh hoạt thường kỳ đảng ủy, chi bộ năm 2024, hàng tháng chọn chi, đảng bộ trực thuộc tỉnh để Thường trực Tỉnh ủy và các ban xây dựng Đảng tỉnh dự sinh hoạt Đảng nói chung, sinh hoạt chi bộ nói riêng là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, nhằm bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng và trở thành một quy định mang tính nguyên tắc trong mọi hoạt động của Đảng.

Quang cảnh dự sinh hoạt Chi bộ ấp 6, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích tổ chức, sinh hoạt chi bộ là làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh; luôn thể hiện là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc; là tổ chức tiên phong chiến đấu chứ không phải là tổ chức “làm quan phát tài”. Chỉ có thông qua sinh hoạt chi bộ, Đảng mới tẩy bỏ được những phần tử “hủ hóa” ra ngoài, làm cho đội ngũ đảng viên của Đảng luôn giữ vững đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn làm “kiểu mẫu” để lôi kéo quần chúng. Điều đó cũng có nghĩa là nếu thực hiện tốt sinh hoạt chi bộ sẽ là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống trong CB,ĐV.

Sinh hoạt chi bộ là một hoạt động tập thể của chi bộ đảng. Trong quá trình tồn tại, hoạt động, chi bộ có nhiều hình thức sinh hoạt như: Đại hội chi bộ, họp chi bộ thường kỳ hàng tháng hoặc đột xuất, học nghị quyết, nghe thời sự, hội thi, đi tham quan, học tập kinh nghiệm... Theo nghĩa rộng, có thể coi sinh hoạt chi bộ bao gồm tất cả các hoạt động đó. Là một trong những hình thức hoạt động chủ yếu của chi bộ, là khâu đầu tiên trong quy trình hoạt động, là cơ sở tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của chi bộ, của đảng viên trong một thời gian nhất định hoặc trong thực hiện một công việc cụ thể; bảo đảm cho chi bộ thực hiện chức năng lãnh đạo bằng chủ trương, nghị quyết, nhiệm vụ chính trị đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị và xã hội, xây dựng nội bộ chi bộ.

Nói đến sinh hoạt chi bộ là nói đến các khâu hoạt động của chi ủy và của đảng viên. Các khâu đó có mối quan hệ mật thiết, tạo nên nội dung sinh hoạt và hoạt động của chi bộ. Sinh hoạt chi bộ được thể hiện bằng nhiều hình thức phong phú với những nội dung thích hợp như: sinh hoạt chính trị (sinh hoạt lãnh đạo), sinh hoạt học tập, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt tự phê bình và phê bình v.v.. nhưng tất cả đều phải gắn với nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng chi bộ. Đó là sự phân chia tương đối nhưng nó lại tránh được sự nhàm chán, trùng lắp, hình thức trong sinh hoạt, bảo đảm sự tập trung cao và có hiệu quả trong sinh hoạt và hoạt động của chi bộ.

Đồng chí Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi sinh hoạt chi bộ

Để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống trong CB,ĐV trong Đảng bộ tỉnh Đồng Nai thông qua sinh hoạt chi bộ cần đảm bảo những yêu cầu sau:

Một là, trong sinh hoạt chi bộ cần đảm bảo tính lãnh đạo: Lãnh đạo là chức năng cơ bản của Đảng. Sinh hoạt chi bộ là hình thức hoạt động lãnh đạo chủ yếu của Đảng nói chung và chi bộ nói riêng, vì vậy, sinh hoạt chi bộ phải có tính lãnh đạo. Tính lãnh đạo đòi hỏi trong sinh hoạt chi bộ phải luôn luôn bảo đảm tính định hướng chính trị của Đảng. Thông qua sinh hoạt, cấp ủy phải làm cho CB,ĐV quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của cấp ủy cấp trên, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng chủ trương, nghị quyết lãnh đạo của chi bộ đúng đắn, sáng tạo, phù hợp. Tính lãnh đạo còn thể hiện ở vai trò tiên phong (nhận thức và hành động), tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của đảng viên trong quá trình sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng đề ra nhiều Nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hàng Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm CB,ĐV suy thoái…. Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thì tính lãnh đạo trong sinh hoạt chi bộ để triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất các đường lối, chủ trương của Đảng là nội dung đặc biệt quan trọng.

Hai là, trong sinh hoạt chi bộ cần đảm bảo tính chiến đấu: Sinh hoạt chi bộ phải có tác dụng thiết thực, phát huy được ưu điểm, chỉ ra khuyết điểm của đảng viên, hạn chế của chi bộ, đề ra được giải pháp khắc phục, đưa chi bộ và đảng viên vào hành động theo mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng. Tính chiến đấu yêu cầu trong sinh hoạt chi bộ phải làm cho đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên quyết đấu tranh với những nhận thức sai trái, mơ hồ về tư tưởng chính trị, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tiêu cực trong CB,ĐV; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của người đảng viên; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Ba là, trong sinh hoạt chi bộ cần đảm bảo tính giáo dục: Sinh hoạt chi bộ phải làm cho trình độ mọi mặt của đảng viên được nâng lên, nhận thức ngày càng sâu sắc hơn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, có thêm những kiến thức mới, những kinh nghiệm bổ ích cho công tác, cuộc sống; thường xuyên tự phê bình và phê bình, xây dựng khối đoàn kết thống nhất nội bộ, nêu gương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; giúp đỡ nhau khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế. Tính giáo dục trong sinh hoạt chi bộ thể hiện ở việc giúp đảng viên nhận thức rõ ưu điểm cũng như hạn chế của bản thân mình, dám thẳng thắn, trung thực thừa nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Đảm bảo tính giáo dục trong sinh hoạt chi bộ cũng thể hiện ở việc các đảng viên trong chi bộ nhìn nhận thấy những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của đồng chí mình, chân thành góp ý và thành tâm giúp đỡ đồng chí mình sửa chữa khuyết điểm đó. Nhờ tính giáo dục mà mỗi đảng viên trong chi bộ ngày càng tiến bộ hơn, chi bộ trong sạch, vững mạnh hơn.

Ba yêu cầu trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nêu trên có nội dung, yêu cầu khác nhau nhưng đều có quan hệ tác động qua lại, thống nhất với nhau. Trên cơ sở các yêu cầu trên và các quy định của Đảng và đặc thù riêng của từng chi bộ là căn cứ để các cấp ủy xây dựng nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong CB,ĐV./.

Đạt Tới

Tag:

File đính kèm