Hội nghị do Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Phước Thiện đồng chủ trì
Theo Bí thư Tỉnh ủy, đó là tư duy sản xuất nông nghiệp đã chuyển hướng tích cực sang tư duy kinh tế nông nghiệp; một bộ phận lớn người nông dân và các chủ thể khác trên địa bàn tỉnh đã nắm được Đề án; phát triển liên kết, gia tăng chuỗi giá trị chuỗi giá trị các hàng hàng chủ lực (Lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra, sen); chuyển đổi số nông nghiệp có sự chuyển động nhanh và có bước đi bài bản.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong phát biểu kết luận hội nghị
Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra những hạn chế và đề nghị các cấp, các ngành, nhất là ngành nông nghiệp phải quan tâm, có giải pháp hiệu quả. Trong đó, vấn đề trăn trở lớn nhất chính là thu nhập của người nông dân chưa đạt theo kế hoạch đề ra (phải tăng 1,6 lần, đạt 75 triệu đồng). Hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp có gia tăng nhưng chưa cao, chuỗi giá trị các ngành hàng chưa đạt như mong muốn, cần nghiên cứu tính toàn thêm, nhất là ngành hàng hoa kiểng và sen; kinh tế tập thể chưa phát triển đồng đều về chất lượng v.v..
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh đến ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030 phải là nhóm dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; đến năm 2045, Đồng Tháp trở thành tỉnh có một nền nông nghiệp hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý và các ngành kinh tế có thế mạnh gắn với nông nghiệp như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh phát triển mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành phải có lộ trình thực hiện để đạt mục tiêu phát triển.
Trong thời gian tới, cần đánh giá hiệu quả các chính sách về nông nghiệp, nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay; hoàn thành xây dựng Đề án “Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh đến năm 2030” – đồng chí Lê Quốc Phong chỉ đạo; đồng thời yêu cầu quy hoạch phát triển vùng trồng phù hợp, đánh giá lại các ngành hàng chủ lực, xây dựng các nhóm giải pháp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa gia trị (du lịch, thương mại).
Phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp, trong đó phải có chương trình phát triển giống cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến; tạo điều kiện cho kinh tế tập thể ngày một hiệu quả hơn v.v. cũng được Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh và đề nghị thực hiện trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Lúa gạo Đất Sen hồng nhấn mạnh đến yếu tố giảm giá thành, chi phí sản xuất, tạo mối liên kết hiệu quả giữa nông dân và doanh nghiệp để phát triển ngành hàng lúa gạo
Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh, địa phương, các hiệp hội ngành hàng và một số doanh nghiệp đã có đánh giá kết quả thực hiện trong 04 năm qua về công nghiệp chế biến nông, thủy sản; ứng dụng khoa học trong nông nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp; giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, sen, cá tra, chuyển đổi số nông nghiệp v.v..
Ngành hàng mới như sầu riêng tại huyện Châu Thành cũng được thông tin tại hội nghị. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương khuyến cáo không phát triển thêm diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo các điều kiện xây dựng thương hiệu, xuất khẩu.
Nguyệt Ánh