Có 10 tham luận, thảo luận của lãnh đạo các cơ quan, ban đảng của Tỉnh ủy, Huyện ủy và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; đáng chú ý, nội dung tập trung phân tích thực trạng và đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Đại biểu phát biểu chia sẻ tại hội trường về phát triển kinh tế nông nghiệp
Trong đó, đại biểu cho rằng cần có giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; kinh nghiệm trong rà soát, vận động người dân thực hiện các chính sách khi triển khai công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các cấp ủy còn chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; phát huy vai trò cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới; giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển giao thông; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp v.v..
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ về nỗ lực thực hiện nhiệm vụ
Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy/Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, mặc dù kết quả tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong nửa đầu nhiệm kỳ chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng điều phấn khởi đó là thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên. Cuối năm 2022 đạt 54,56 triệu đồng, xếp thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; ước tính đến cuối năm 2023 sẽ đạt trên 59 triệu đồng.
Tỉnh đã tập trung và ưu tiên các nguồn lực để thực hiện các đột phá chiến lược. Về giao thông, đang triển khai 24 công trình, trong đó có các dự án cao tốc. Chất lượng giáo dục ở một số chỉ tiêu đang đứng thứ 5/12 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Có mô hình mới trong đào tạo như Trường cấp 3 nông nghiệp Nhật Bản; thành phố Cao Lãnh là địa phương thứ hai của tỉnh được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu.
Về phát triển kinh tế nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 3,25%/năm, giá trị ngành hàng chủ lực tiếp tục gia tăng và tái cơ cấu đi vào chiều sâu. Từ năm 2021 đến cuối tháng 6/2023, có 1.578 doanh nghiệp thành lập mới (đạt 52,6% kế hoạch 5 năm), nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 5.140 doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Tại hội nghị sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, đại diện các cơ quan Trung ương đánh giá cao Tỉnh ủy Đồng Tháp, thời gian qua có nhiều đổi mới trong phương pháp lãnh đạo, điều hành. Ngay từ đầu nhiệm kỳ đã ban hành 06 nghị quyết, 10 kết luận, việc triển khai văn bản rất cụ thể, rõ ràng nên việc thực hiện được đồng bộ, nghiêm túc. Công tác xây dựng đảng được quan tâm thực hiện, nhất là phát triển đảng viên mới, quản lý đảng viên đi làm ăn xa. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục duy trì trong top đầu cả nước v.v.. Đồng thời, đại diện các cơ quan Trung ương lưu ý với tỉnh một số nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận các ý kiến góp ý và cho biết sẽ bổ sung vào báo cáo, cũng như lưu ý trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong chỉ đạo các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện
Từ đây đến cuối nhiệm kỳ, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cả Đảng bộ, hệ thống chính trị tập trung với quyết tâm cao nhất để thực hiện các nhiệm vụ Đảng bộ đề ra với kết quả cao nhất. Trong đó, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Đồng chí Lê Quốc Phong yêu cầu tiếp tục tập trung cho 05 đột phá chiến lược. Trong đó có phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp – khởi nghiệp, thu hút đầu tư. Về đột phá trong xây dựng Đảng, phải kiên trì thực hiện các mô hình hiện có, liên tục đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện mô hình, tăng cường kiểm tra, hỗ trợ cơ sở. Thực hiện tốt Kết luận 21 của Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thể hiện được tính tiên phong, trách nhiệm, tinh thần dấn thân, sáng tạo vì cái chung, chống sự suy thoái, né tránh trách nhiệm, không nắm chắc lĩnh vực thuộc ngành, địa phương mình. Thực hiện tốt các hoạt động liên quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát triển đảng viên đạt chỉ tiêu, chất lượng; tập trung đổi mới việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ theo quy hoạch.
Làm được các nhiệm vụ trên, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy; tăng cường kiểm tra, triển khai, nắm quy chế, quy định, trách nhiệm. Tùy tình hình thực tế sẽ xem xét thành lập các tổ công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thúc đẩy trực tiếp một số lĩnh vực còn chậm, chưa đạt yêu cầu; tiếp tục đảm bảo trật tự, an ninh biên giới, quốc phòng v.v..
Nguyệt Ánh