Sign In

Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân vận

08:14 05/12/2024
(GLO)- Sáng 4-12, Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác dân vận và việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở; Phạm Thị Tố Hải-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở.

Hội nghị được kết nối từ điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy đến 17 điểm cầu cấp huyện. Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy có đồng chí Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan.

Nhiều kết quả nổi bật

Báo cáo kết quả công tác năm 2024, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, công tác dân vận của hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện.

Các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm hướng về cơ sở, triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với người dân, tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Trong năm, toàn tỉnh tiếp 2.861 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị (tăng 118 lượt so với năm 2023). Các cấp, ngành tiếp nhận 171 đơn khiếu nại, tố cáo (giảm 25 đơn so với năm 2023).

Công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân được chú trọng. Cấp tỉnh tổ chức 5 cuộc đối thoại, cấp huyện 62 cuộc, cấp xã 399 cuộc; qua đó kịp thời giải quyết những vấn đề đặt ra tại địa phương, cơ sở.

Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội các cấp, các hội quần chúng tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, chú trọng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia giám sát hoạt động đối với cơ quan Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc phương châm “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”.

1-7161.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: P.D

Các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, kinh tế số; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển hạ tầng số, dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, tập trung triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 21-10-2024 của UBND tỉnh phát động phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh”; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân.

Các đơn vị lực lượng vũ trang tiếp tục bám sát địa bàn, triển khai tốt công tác vận động quần chúng tham gia đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tham gia giúp người dân xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Ban dân vận các cấp tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác dân vận; phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng về công tác dân vận.

Chủ động tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết các văn bản về công tác dân vận; tăng cường công tác kiểm tra, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng dân vận cho cán bộ cơ sở.

Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội phát động hiệu quả, lan tỏa sâu rộng, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.

Đặc biệt, với nhiều hình thức, cách làm cụ thể, phong trào thi đua “Dân vận khéo” mang lại hiệu quả thiết thực. Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã đăng ký 1.556 mô hình, đến nay đã công nhận 1.327 mô hình (1.024 tập thể, 303 cá nhân).

Các địa phương, đơn vị tổng kết, biểu dương, khen thưởng 30 tập thể, 26 cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận

Phát biểu tại hội nghị, ông Kpuih Hồ Công Thông-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở huyện Chư Prông-cho biết: Đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của người dân như: hiến đất làm đường, đóng góp các khoản xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hương ước, quy ước, bình xét hộ nghèo..., chúng tôi tổ chức họp dân, đối thoại trực tiếp để bàn và thống nhất thực hiện.

Năm 2024, huyện huy động hàng tỷ đồng, trên 5.023 m2 đất và 854 ngày công để xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, ông Thông cũng thẳng thắn thừa nhận: Hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở còn mờ nhạt, chưa phát huy vai trò.

Ông Siu Thil-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở huyện Đức Cơ đề cập một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện QCDC và công tác dân vận trên địa bàn như: việc kết nghĩa với làng đồng bào dân tộc thiểu số của một số cơ quan, đơn vị chưa phát huy hiệu quả; một số mô hình “Dân vận khéo” hoạt động thiếu bền vững; việc sơ kết, tổng kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình điển hình chưa được chú trọng đầy đủ.

pho-bi-thu-tinh-uy-nguyen-ngoc-luong-phat-bieu-chi-dao-tai-hoi-nghi.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của công tác dân vận và thực hiện QCDC ở cơ sở trong năm 2024.

Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, có nhiều sự kiện trọng đại, nhất là đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Do đó, cấp ủy các cấp nói chung, đội ngũ làm công tác dân vận nói riêng tiếp tục quán triệt, lĩnh hội đầy đủ, sâu sắc, toàn diện 5 quan điểm trong Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Đội ngũ làm công tác dân vận phải đi trước một bước để nắm chắc tình hình từng đối tượng, địa bàn dân cư, giải quyết tốt các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân và xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh, tạo niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân với Đảng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: Hệ thống chính trị các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân vận; chú trọng cải cách hành chính trong dân vận chính quyền, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, dễ tiếp cận trong các dịch vụ.

Cùng với đó, nâng cao hơn nữa chất lượng các phong trào, cuộc vận động đang triển khai để hướng đến hiệu quả cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chính quyền.

Đây là thước đo đánh giá hiệu quả công tác dân vận trong bối cảnh tình hình mới, từ đó khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần vượt khó, nỗ lực của người dân và phát huy tốt nguồn lực cho phát triển của tỉnh, của đất nước trong thời gian tới.

Đội ngũ làm công tác dân vận phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan nêu cao tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận để “đi dân nhớ, ở dân thương, nói dân nghe, làm dân tin”.

Tag:

File đính kèm