Tiết mục múa truyền thống của dân tộc Cờ Lao được biểu diễn tại Lễ cúng rừng. |
Sính Lủng cách trung tâm huyện 18 km. Người dân chủ yếu là đồng bào Mông và Cờ Lao. Cộng đồng người Cờ Lao sinh sống tập trung ở thôn Má Chề và thôn Cá Ha với tổng số 139 hộ/670 nhân khẩu. Cũng như một số dân tộc thiểu số khác sinh sống tại Đồng Văn, cuộc sống của người Cờ Lao gắn chặt với núi rừng, cây cối và núi đá tai mèo khắc nghiệt. Trong tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Cờ Lao điển hình nhất là Lễ cúng rừng đã có từ lâu đời và đến ngày nay vẫn được duy trì thường xuyên. Đối với người Cờ Lao, Thần rừng có vị trí đặc biệt quan trọng, là vị thần có ảnh hưởng lớn nhất và được cầu khấn trong hầu hết các nghi lễ thờ cúng. Hàng năm, người dân Cờ Lao sẽ làm Lễ cúng rừng vào ngày 3.3 hoặc ngày 9.9 Âm lịch để tưởng nhớ, tạ ơn các vị thần đã bảo vệ bà con suốt 12 tháng bình an, khỏe mạnh... Lễ cúng rừng phản ánh được thế giới tâm linh, tín ngưỡng, tập quán xã hội của người Cờ Lao trong quá khứ, hiện tại. Đồng thời, thông qua việc tổ chức nghi lễ cúng rừng còn góp phần vào việc giữ gìn và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, có vai trò lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ nhớ về lịch sử, bảo vệ môi trường sống…
Tham gia lễ hội, tận mắt chứng kiến các thầy cúng tái hiện lại nghi thức cúng rừng, tham gia các trò chơi truyền thống, ông Yasushi Ogura, du khách đến từ Nhật Bản chia sẻ: Tôi có thời gian tìm hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Đồng Văn khá lâu, tham gia nhiều lễ hội của các dân tộc. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi được tham gia Lễ cúng rừng của bà con Cờ Lao. Những hoạt động trong khuôn khổ lễ hội như: Thi đan lát, đẩy gậy, kéo co... vô cùng ấn tượng, thú vị và đặc sắc. Qua lễ hội tôi thấy được nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
Thực tế, hiện nay toàn xã Sính Lủng chỉ còn một số người cao tuổi am hiểu tường tận về lễ cúng; đồng thời, nhận thức của một số người dân còn hạn chế trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là thế hệ trẻ; một số nghệ nhân chưa tích cực tham gia truyền dạy văn hóa truyền thống. Ông Giàng Mí Nùng, Bí thư Đảng ủy xã Sính Lủng chia sẻ: Xã đã xây dựng kế hoạch bảo tồn các giá trị văn hóa của người Cờ Lao. Đến nay khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, xã sẽ tiếp tục có kế hoạch để lan tỏa, nâng cao ý thức cho người dân trong bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Cấp ủy, chính quyền xã cũng đã định hướng cho người dân gắn bảo tồn văn hóa truyền thống với bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ nghề đan lát truyền thống để phát triển du lịch. Đồng thời, tích cực chỉ đạo các trường học trên địa bàn triển khai đưa văn hóa truyền thống của dân tộc Cờ Lao vào giảng dạy.
Ông Nguyễn Văn Hãnh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Đồng Văn cho biết: Dân tộc Cờ Lao là 1 trong 3 dân tộc thiểu số rất ít người của huyện, vì vậy huyện đã dành nhiều nguồn lực để tập trung hỗ trợ phát triển, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tình nguyện tham gia. Khuyến khích, động viên thế hệ trẻ người Cờ Lao tham gia học tập và góp phần gìn giữ di sản văn hoá quý báu của dân tộc mình. Huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép, mô tả, quay phim, chụp ảnh lại toàn bộ di sản một cách hệ thống, xây dựng thành ngân hàng dữ liệu, từ đó có phương án bảo tồn và phát huy di sản tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và mở các lớp truyền dạy để trao truyền lại di sản văn hóa cho thế hệ trẻ.
Có thể khẳng định, những kết quả trong thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cờ Lao, cụ thể là Lễ cúng rừng sẽ là tiền đề, là cơ sở để phát huy tinh thần sáng tạo, khát vọng phát triển, cống hiến của các nghệ nhân dân gian trong việc gìn giữ, bảo tồn và trao truyền văn hóa cho thế hệ trẻ; tiến tới khai thác lợi thế về bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc gắn với phát triển du lịch - dịch vụ.
Bài, ảnh: MY LY