Đội tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa huyện Quang Bình sân khấu hóa tuyên truyền xóa bỏ hủ tục.
Phong trào toàn dân xây dựng đời sống VH bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2000, phong trào bao quát nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội, gồm 5 nội dung là: Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; thực hiện nếp sống VH, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch, đẹp, an toàn; xây dựng thiết chế VH cơ sở và phong trào VH, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh. Song song với đó là 7 phong trào, cụ thể: Xây dựng gia đình VH; làng, thôn, bản, tổ dân phố VH; toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng xã đạt chuẩn VH Nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn VH; toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; học tập, lao động sáng tạo; xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến. Việc toàn dân xây dựng đời sống VH đã xây dựng được môi trường VH lành mạnh; các truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy; nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã được loại bỏ, tạo sự gắn bó keo sơn, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, nâng cao đời sống VH, tinh thần của nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững vùng biên cương Tổ quốc. Hiệu quả từ phong trào toàn dân xây dựng đời sống VH cho thấy, đến nay toàn tỉnh có gần 144.400 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình VH; gần 1.410 thôn, tổ dân phố được công nhận thôn, làng, tổ, khu phố VH; trên 340 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn VH; 161/193 xã, phường, thị trấn có nhà VH; gần 1.840 thôn, tổ dân phố có nhà VH, khu thể thao; tỷ lệ người tham gia tập luyện thể dục thể thao đạt gần 30%; tỷ lệ gia đình tập luyện thể dục thể thao đạt gần 20%.
Tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu qua hình thức sân khấu hóa ở xã Nàng Đôn (Hoàng Su Phì).
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc bình xét công nhận gia đình VH có nơi chưa chặt chẽ, thiếu công khai, dân chủ; việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang chưa nghiêm, còn tình trạng ăn uống tràn lan trong đám cưới, để người chết quá 48 giờ; công tác xã hội hóa hoạt động xây dựng thiết chế VH, thể dục, thể thao, văn nghệ quần chúng còn khiêm tốn; nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho nhân dân còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ VH, tập luyện thể dục thể thao; các tệ nạn vẫn còn tồn tại trong xã hội… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đời sống vật chất của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; việc đầu tư kinh phí cho hoạt động phong trào còn thấp, nhất là ở cấp cơ sở; huy động xã hội hóa đầu tư cho hoạt động VH còn khó khăn; nhận thức về phong trào và trách nhiệm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân một số nơi chưa đầy đủ, sâu sắc; cơ chế phối hợp thực hiện phong trào còn có nhiều vướng mắc.
Để khắc phục những hạn chế việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống VH, đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Sở phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, mục tiêu của phong trào; tăng cường nguồn lực vận động nhân dân đóng góp xây dựng thiết chế VH với sự hỗ trợ của nhà nước đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, ưu tiên ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng các thiết chế VH, thể thao tại các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng còn nhiều khó khăn; đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm tạo ra các điển hình tiên tiến trong học tập, lao động sáng tạo xây dựng con người đủ phẩm chất tư tưởng đạo đức và nhân cách VH; tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình, làng, thôn, bản, tổ dân phố VH trong đó nâng cao chất lượng đánh giá bình xét từng tiêu chí cụ thể…
Hoàng Tuyến