Toàn văn Đề cương được đính kèm và có thể tải về trong bài viết với chủ đề tương ứng của mục Nghiệp vụ trên App Thông tin tuyên giáo.
Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13/10/1903 trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam.
Tiết mục khắc họa chân dung người cộng sản kiên trung Lương Khánh Thiện - Ảnh: Minh Châu
Từ năm 1923 đến 1925, đồng chí Lương Khánh Thiện rời quê ra thành phố Hải Phòng xin vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng (lúc đó thường gọi là Trường Bách nghệ), Đồng chí sớm hòa nhập và tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, như tham gia vận động học sinh bãi khóa, đòi nhà cầm quyền thực dân trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, đòi để tang cụ Phan Chu Trinh…
Năm 1926, đồng chí Lương Khánh Thiện về Nam Định làm thợ nguội Nhà máy Sợi; năm 1927, Đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định. Năm 1928, Đồng chí trở lại Hải Phòng và thực hiện chủ trương “vô sản hóa” trong phong trào công nhân. Tháng 4/1929, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp vào Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng.
Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, đồng chí Lương Khánh Thiện được kết nạp và trở thành một trong những người cộng sản lớp đầu tiên của Đảng.
Giữa năm 1929, Đồng chí bị địch bắt và đưa về giam ở nhà lao Hải Phòng; ngày 29/01/1931 chính quyền thực dân Pháp đã mở phiên tòa kết án Đồng chí mức án khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), sau đó mùa hè năm 1931, Đồng chí bị đưa đi đày ở nhà tù Côn Đảo.
Tháng 9/1936, đồng chí Lương Khánh Thiện được trả tự do và trở về đất liền tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.
Tháng 3/1937, tại Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ ủy lâm thời (đến tháng 9/1937); kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938).
Ngày 29/12/1938, đồng chí Lương Khánh Thiện bị địch bắt lần thứ hai tại Hà Nội, sau đó được trả tự do vì không đủ căn cứ kết tội. Tháng 01/1939, Đồng chí đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của Bắc Kỳ và Hà Nội đến tháng 9/1939. Sau đó, Đồng chí được cử thay mặt Xứ ủy đi chỉ đạo bí mật xây dựng căn cứ và tổ chức cơ sở cách mạng cho Đảng ở tỉnh Phú Thọ.
Tháng 10/1940, Đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên và một phần tỉnh Kiến An) và trực tiếp phụ trách Đảng bộ Hải Phòng.
Tháng 01/1941, trong khi đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào công nhân ở Hải Phòng, Đồng chí bị mật thám Pháp bắt và đưa về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Sau đó, tòa án chính quyền thực dân đã kết án tử hình và ngày 02/9/1941, Đồng chí bị địch xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng./.
Nguồn: Baocaovien.vn