Sign In

Hà Giang - từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đến Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh năm 2023

17:36 20/10/2023
CTTBTG - Ngày 24/11/2021 Hội nghị văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh văn hóa được tổ chức đã thu hút sự quan tâm, chú ý không chỉ của những người công tác trong lĩnh vực văn hoá mà là của toàn xã hội, điều đó cho thấy tính thời sự, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đang đặt ra những vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm.

Nội dung trọng tâm xuyên suốt của Hội nghị là triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác văn hoá. Đồng thời, đánh giá việc triển khai các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng về công tác văn hoá trong suốt thời gian qua, đặc biệt là đánh giá kết quả xây dựng văn hoá, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh mục tiêu: Tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”. Đồng thờì khẳng định 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. 

Đối với Hà Giang, Hội nghị Văn hóa toàn quốc được kết nối đường truyền đến 11 điểm cầu của các huyện, thành phố và 193 điểm cầu cấp cơ sở với trên 7.000 đại biểu tham dự. Ngay sau Hội nghị, các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo triển khai học tập, quán triệt sâu rộng kết luận của đồng chí Tổng Bí thư cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân, tập trung nghiên cứu 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 04 nhóm giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc. Nhiều văn bản chỉ đạo về lĩnh vực văn hóa được cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Thanh niên huyện Xín Mần bảo tồn văn hoá truyền thống, thực hiện mô hình may trang phục dân tộc cho búp bê - Một giải pháp hiệu quả tuyên truyền tới đối tượng thanh thiếu nhi

Đánh giá, nhìn nhận lại kết quả sau 02 năm triển khai thực hiện Kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, cho thấy Hà Giang bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của người đứng đầu và các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò tầm quan trọng văn hóa, văn nghệ ngày càng hoàn thiện và phát triển toàn diện. Nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy được đổi mới, hiệu lực, hiệu quả quản lý chính quyền được nâng cao. Công tác tuyên truyền được tiến hành thường xuyên bằng những hình thức sáng tạo, phong phú như: Cổ động trực quan, tuyên truyền miệng, các cuộc thi, liên hoan văn nghệ... qua các tin, bài, phóng sự, các chuyên trang, chuyên mục của Báo Hà Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Hà Giang. Các huyện, thành phố tổ chức cho học sinh học tập ngoại khóa, đến tham quan tại một số di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, lịch sử cách mạng, lịch sử truyền thống của dân tộc.

Các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng con người Hà Giang thời kỳ đổi mới, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc, theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Chú trọng công tác xây dựng văn hóa trong tổ chức Đảnghệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, quần chúng; xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Hà Giang hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ thông qua bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ 9 với chủ đề “Cao nguyên đá nở hoa” sắp được diễn ra

Chú trọng đến công tác xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Phong trào“Xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh” trong nhân dân trên địa bàn tỉnh, gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” được các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai quyết liệt và đồng bộ, thực sự lan tỏa đi vào đời sống của nhân dân, các đám cưới cơ bản được tổ chức gọn nhẹ, không kéo dài ngày; các đám tang đã có nhiều thay đổi tích cực, tổ chức không quá 48 tiếng, giết mổ ít gia súc, một số nghi thức rườm rà trong đám tang đã được cắt giảm, cải tiến; vận động được 1.157/2.165 gia đình đồng bào người Mông tổ chức đám tang đưa người chết vào áo quan. Năm 2022 có 139.368/189.616 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 1.336/2.071 làng (thôn, bản), tổ dân phố đạt “Làng (thôn, bản) văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa; 333 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” theo quy định. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, nhiều hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên.

Công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện, văn hóa của các dân tộc thiểu số từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát triển.  Từ năm 2021 đến năm 2023, Ngành văn hóa phối hợp với các địa phương tiến hành tổ chức kiểm kê , nhận diện được 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể; hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận, xếp hạng 05 di tích, danh thắng, 7 di sản văn hoá phi vật thể được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, phục dựng được 40 di sản văn hóa phi vật thể; tu bổ, tôn tạo nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa... Một số lễ hội truyền được tổ chức thường niên như: Lễ hội Hoa tam giác mạch, Lễ hội chợ tình Khâu Vai, tôn vinh di sản ruộng Bậc thang Hoàng Su Phì, Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội khèn Mông.. vừa quảng bá du lịch Hà Giang vừa gắn kết việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, Hà Giang đã tổ chức tái đánh giá thành công và chuẩn bị tổ chức đón nhận danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III.

Công tác đầu tư các nguồn lực cho văn hóa luôn được quan tâm, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, phát triển hạ tầng du lịch. Toàn tỉnh đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp được 12 nhà văn hóa cấp xã, trên 100 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố. Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình dự án lớn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực văn hoá, du lịch.

Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm đến việc đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho hoạt động văn học, nghệ thuật và nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, triển khai Đề án phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, khuyến khích các văn nghệ sĩ tích cực sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật. Các trại sáng tác, các lớp bồi dưỡng, các cuộc thi văn học, nghệ thuật, các chuyến đi thực tế... được tổ chức thường xuyên. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật được giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cuộc triển lãm tranh, ảnh, liên hoan âm nhạc khu vực được các văn nghệ sỹ tích cực tham gia hưởng ứng và đạt nhiều giải thưởng cao.

Lễ hội Nhẩy lửa đặc sắc của Tân Bắc, Quang Bình

Ngày 28/10 tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành tổ chức ‘‘Hội nghị văn hóa năm 2023”. Đây là một hội nghị rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực, nhằm tổng kết, đánh giá những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trên lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Giang trong thời gian qua. Đồng thời, cũng đánh giá nhìn nhận những kết quả đạt được trong 02 năm triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về văn hóa, qua đó đề ra những định hướng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Từ những vấn đề đặt ra tại Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyên đề về văn hóa, đó là “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”.

Với sự nỗ lực cố gắng, đồng thuận và quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, những kết quả đã đạt được, định hướng và các vấn đề đặt ra tại Hội nghị văn hóa Hà Giang năm 2023 sẽ lan tỏa và đi thực tiễn đời sống xã hội, tích cực góp phần hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy văn hóa Hà Giang phát triển và tỏa sáng, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi” như phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Nguyễn Thị Hải Hà

Tag:

File đính kèm