Trong căn nhà gỗ 3 gian tại thôn Khuổi Luông, xã Niêm Sơn, anh Sùng Mí Sính, sinh năm 1984, dân tộc Mông, đang cặm cụi từng nét chữ nguệch ngoạc viết đơn xin tự ra khỏi hộ nghèo. Với một gia đình đồng bào dân tộc ở vùng cao còn nhiều khó khăn như anh Sính thì đó là một quyết định táo bạo.
Anh Sính lập gia đình từ năm 2007, được bố mẹ cho ra ở riêng với 2 bàn tay trắng, cũng từ khi đó gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Hơn 15 năm trong diện hộ nghèo, gia đình anh đã được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước từ vay vốn làm ăn, đến con cái đi học. Đến nay, con trai lớn của anh cũng đã học lớp 10. Kinh tế gia đình anh cũng đã khá hơn nhiều.
|
Vợ chồng anh Sùng Mí Sính, thôn Khuổi Luông,( Niêm Sơn, Mèo Vạc), với lá đơn xin thoát nghèo. |
Anh Sính chia sẻ: “Ngày xưa nhà quá khó khăn lại có 3 con nhỏ, tôi nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước nhiều năm qua rồi. Giờ con cái đã lớn hơn, vợ chồng tôi còn trẻ, khỏe; làm nương, chăn nuôi bò, lợn cũng đủ để sinh sống và chăm sóc các con nên vợ chồng tôi làm đơn xin thoát nghèo”.
Cùng thôn với anh Sính, mặc dù đã 60 tuổi nhưng ông Vàng Dũng Sính cũng đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Ông Sính bày tỏ: “Dẫu biết không còn là hộ nghèo sẽ mất đi nhiều quyền lợi nhưng tôi nghĩ, Nhà nước, mọi người đã quan tâm tạo điều kiện cho mình nhiều rồi, cuộc sống gia đình đã khá hơn tôi cũng muốn để lại những chế độ, chính sách ấy cho hộ khác vất vả hơn”.
Được biết, gia đình ông Vàng Dũng Sính có 8 khẩu, trong đó có 2 người con đang đi làm việc tại công ty may ở Bắc Giang. Chị Vàng Thị Máy, con gái ông Sính bộc bạch: “Nhờ được Đoàn xã, cấp ủy chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, giới thiệu việc làm nên 2 chị em tôi đã có công việc, vừa có thu nhập cho bản thân và có thể hỗ trợ gia đình. Mỗi tháng tôi cũng có thu nhập từ 8-10 triệu đồng. Tôi cũng đã giải thích cho bố mẹ, giờ cả gia đình tôi nhất trí xin thoát khỏi hộ nghèo để nhường lại những khoản hỗ trợ của Nhà nước cho những gia đình thật sự khó khăn hơn”.
Việc làm của gia đình anh Sùng Mí Sính và ông Vàng Dũng Sính đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho bà con trong thôn, xã. Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn xã Niêm Sơn đã có 4 hộ tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Việc này có ý nghĩa rất lớn, tiếp thêm động lực, khích lệ các hộ nghèo khác vươn lên làm kinh tế, tự thân thoát nghèo.
Ông Hà Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Niêm Sơn, huyện Mèo Vạc cho biết: “Thời gian qua, một số hộ dân của xã đã có đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Là những người đứng đầu địa phương chúng tôi cũng rất cảm động; sự thay đổi lớn từ tư duy đến nhận thức một cách đúng đắn, toàn diện, sẽ giúp lan tỏa mạnh ra cộng đồng”.
Theo trao đổi của đồng chí Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc: Năm 2023, huyện Mèo Vạc phấn đấu giảm gần 1.500 hộ nghèo đa chiều, giảm tỷ lệ 8,53%. Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về công tác giảm nghèo. Triển khai đồng bộ nhiều chính sách, chương trình giảm nghèo đến người dân. Đồng thời, nhân rộng những điển hình thoát nghèo tiêu biểu, những hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần, ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo trong mỗi người dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Những lá đơn xin thoát nghèo của những hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông ở huyện nghèo vùng cao biên giới không hẳn vì họ đã khá giả mà chứng tỏ người dân đã bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Đồng thời, còn là minh chứng những cách làm sáng tạo trong công tác điều hành, chỉ đạo, sâu sát, quan tâm đến mọi mặt đời sống nhân dân của các cấp chính quyền cơ sở.
Bài, ảnh: HÀ LINH