Chiều 29/11, với đa số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (1 luật sửa 9 luật).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung sửa đổi hai luật trên và sửa đổi tên gọi của dự thảo luật này. Đó là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Một nội dung đáng chú ý, luật vừa được thông qua quy định tăng mức xử phạt hành chính trong vi phạm về lĩnh vực kiểm toán độc lập.
Cụ thể, mức phạt tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập tối đa là 2 tỷ đồng đối với tổ chức; 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 5 năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho biết quá trình chỉnh lý dự thảo luật, có ý kiến đề nghị chỉ nên tăng mức xử phạt gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt tối đa là 2 năm do nhu cầu về nhân sự kiểm toán còn thiếu so với quy mô thị trường.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng đây là mức phạt tiền tối đa và chỉ áp dụng đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng có thể xem xét quy định như tại dự thảo luật để bảo đảm tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên. Điều này đặt trong bối cảnh thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá tác động cụ thể và có mức xử phạt hợp lý đối với từng hành vi như ý kiến của đại biểu quốc hội.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách cho biết có hai nội dung còn có ý kiến nhiều chiều.
Cụ thể là nội dung về báo cáo về vốn điều lệ và việc ngân hàng thương mại tham gia làm thành viên bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan, tiếp thu, chỉnh lý quy định về hai nội dung này tại dự thảo luật theo hướng quy định trong luật mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi”, ông Lê Quang Mạnh nói.
Luật vừa được thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số trường hợp đặc biệt. Riêng quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, quy định về vốn chủ sở hữu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
VN (tổng hợp)