Sign In

Công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

11:00 30/01/2024

Sáng ngày 30/1, tại xã Tiên Hiệp (TP Phủ Lý), UBND tỉnh long trọng tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khởi công dự án đầu tư xây dựng Công viên chủ đề tại thành phố Phủ Lý.

anh tin bai

Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tới dự, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Mai Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Xuân Lộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Hổ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Xuân Đông, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các cục, vụ, viện trực thuộc các Bộ, ban, ngành ở Trung ương; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh: Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình; các đồng chí ủy viên BTV Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện các sở, ban ngành trong tỉnh và lãnh đạo chủ chốt các huyện, thị, thành phố; đại diện Tập đoàn SUN GROUP - nhà đầu tư dự án Công viên chủ đề tại thành phố Phủ Lý.

anh tin bai

Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ngày 26 tháng 12 năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đã ký ban hành Quyết định số 1686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo phê duyệt quy hoạch, phạm vi, ranh giới quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hà Nam với diện tích là 861,93 km2; gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục. Phía Bắc tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, phía Nam giáp tỉnh Nam Định, phía Tây Nam giáp tỉnh Ninh Bình và phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình.

Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; trở thành trung tâm công nghiệp - công nghệ cao thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội lớn; trung tâm du lịch văn hóa gắn với du lịch văn hóa tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, giá trị cao; có tốc độ tăng năng suất lao động cao trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng nhân lực; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được đảm bảo và không ngừng nâng cao.

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 11,2%/năm. Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 70,5%, ngành dịch vụ chiếm 26%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,5%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 230 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt 758 nghìn tỷ đồng; phấn đấu kinh tế số chiếm 25-30% GRDP...

anh tin bai

Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận và chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Hà Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Việc Công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Nam trong thời gian tới; đồng thời tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, vùng Thủ đô và tỉnh Hà Nam. Để xây dựng tỉnh Hà Nam, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ, chính quyền địa phương phải bám sát vào Nghị quyết của Bộ Chính trị và định hướng phát triển đô thị; chuẩn bị đồng bộ hạ tầng giao thông; hạ tầng xã hội; phát triển đô thị hướng tới nói không với ùn tắc giao thông, nói không với ô nhiễm môi trường, đặc biệt nói không với ô nhiễm môi trường nước. Chú trọng xây dựng mô hình đô thị kết nối vùng và phát triển hạ tầng giao thông đi đến đâu sẽ phát triển kinh tế đến đó; thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế với năng suất lao động cao; phát triển tỉnh có dịch vụ y tế chất lượng cao, phấn đấu đưa tỉnh Hà Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà  đầu tư và du khách trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo: Việc triển khai Quy hoạch cần tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm quy hoạch, giữ vững nguyên tắc nhưng không cứng nhắc, không cầu toàn, không nóng vội, khi điều chỉnh, bổ sung linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế cần đánh giá tác động kỹ lưỡng với sự cho phép của các cấp có thẩm quyền. Về nguồn lực thực hiện quy hoạch, cần đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư; thu hút các nhà đầu tư có năng lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…phấn đấu sớm đưa Hà Nam trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

anh tin bai

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh, đây sẽ là công cụ cực kỳ quan trọng để tỉnh tổ chức quản lý, định hướng, kiểm soát các hoạt động đầu tư và là nền tảng thúc đẩy phát triển tỉnh Hà Nam mạnh mẽ hơn nữa, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất lớn đối với tỉnh, đây sẽ là công cụ cực kỳ quan trọng để tỉnh tổ chức quản lý, định hướng, kiểm soát các hoạt động đầu tư và là nền tảng thúc đẩy phát triển tỉnh Hà Nam mạnh mẽ hơn nữa, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, việc phê duyệt quy hoạch tỉnh chỉ mới là kết quả bước đầu. Để cụ thể hóa, hiện thực hóa quy hoạch tỉnh còn rất nhiều việc phải làm và cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi tỉnh Hà Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để đạt được mục tiêu đề ra đó là: “Đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng”.

Về nhiệm vụ cụ thể, trong thời gian tới, Hà Nam lựa chọn 03 đột phá phát triển gồm: Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ. Thực hiện  05 trụ cột tăng trưởng kinh tế gồm: Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Phát triển công nghệ cao, trọng tâm là phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam; Khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch; tập trunng phát triển Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc; Mở rộng không gian đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ và logistics; Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh Hà Nam tiếp tục đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển theo Quy hoạch.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trân trọng cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ban ngành ở Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, cán bộ các cấp đã quan tâm đến tỉnh Hà Nam trong việc xây dựng Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, quan điểm xuyên suốt của Quy hoạch tỉnh là xây dựng địa phương phát triển theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Để hiện thực hóa tầm nhìn của Quy hoạch tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân về nội dung cốt lõi của quy hoạch, tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao trong thực hiện quy hoạch. Cùng với đó,  tỉnh tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong quy hoạch gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

anh tin bai

Lãnh đạo UBND tỉnh trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Công viên chủ đề tại thành phố Phủ Lý. 

Ngay sau khi hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 kết thúc, UBND tỉnh đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đầu tư và Khởi công dự án đầu tư xây dựng Công viên chủ đề tại thành phố Phủ Lý.

anh tin bai

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng Công viên chủ đề tại thành phố Phủ Lý.

Dự án đầu tư xây dựng Công viên chủ đề kết hợp nhà ở tại TP Phủ Lý có quy mô hơn 26ha. Dự án bao gồm các hạng mục: công viên chủ đề, xây dựng khu nhà ở, chỉnh trang cải tạo hệ thống giao thông hạ tầng đảm bảo đồng bộ hiện đại. Phạm vi thực hiện dự án gồm địa bàn xã Tiên Hiệp, phường Lam Hạ. Phía Bắc giáp đường Võ Nguyên Giáp. Phía Nam giáp đường 36m. Phía Đông giáp trạm dừng nghỉ và khu nhà ở mới, phía Tây giáp nhà thi đấu đa năng tỉnh.

Dự án hoàn thành sẽ là khu công viên hiện đại, góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nhà ở trong khu vực và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Sun Group khởi công giai đoạn I Tổ hợp dự án Khu đô thị mới Bắc Châu Giang quy mô 404 ha, tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng. Tổ hợp này gồm các hạng mục: Công viên chủ đề kết hợp nhà ở 26ha, Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang 176ha; Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo hơn 202ha.

Nguồn Báo Hà Nam

Tag:

File đính kèm