Sign In

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Hội Xuân Tam Chúc năm 2024

13:00 21/02/2024

Sáng 21/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại Khu du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng), Chùa Tam Chúc long trọng tổ chức Hội Xuân Tam Chúc 2024 với chủ đề “Kết nối di sản”. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã về tham dự cùng các vị đại biểu và đông đảo du khách thập phương.

anh tin bai

Các đại biểu dự Hội Xuân Tam Chúc 2024 niệm Phật cầu gia hộ.

Tới dự lễ hội có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Chùa Tam Chúc; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh;  lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; các Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni, phật tử, nhân dân và du khách thập phương.

Mở đầu Hội Xuân là tiết mục “Trống hội ngày xuân - Khi vui xuân sang – Trẩy hội xuân”. Sau tiết mục trống hội, Thượng tọa Thích Minh Quang cử hành nghi lễ niệm Phật cầu gia hộ, cầu cho mọi người, nhà nhà được ấm no, hạnh phúc.

anh tin bai

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Tam Chúc phát biểu tại Hội Xuân Tam Chúc 2024.

Phát biểu tại Hội xuân, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Trụ trì chùa Tam Chúc nhấn mạnh ý nghĩa của Hội Xuân Tam Chúc. Hòa thượng bày tỏ: Khu du lịch Tam Chúc nằm trên địa bàn thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là quần thể du lịch - văn hóa - tâm linh lớn nối liền giữa bốn tỉnh, thành là: Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình và Hòa Bình. Căn cứ vào một số di vật được tìm thấy dưới lòng hồ Tam Chúc và các câu chuyện dân gian còn được lưu truyền tại địa phương cho thấy, cách đây hơn một nghìn năm nơi đây là vùng đất Phật, với ngôi chùa Tam Chúc cổ kính, uy nghiêm và nhân dân địa phương hàng năm vào dịp đầu xuân đều tổ chức lễ hội để cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và đây cũng là chốn hội tụ của Tăng, Ni, tín đồ phật tử thập phương.

Trải qua thời gian, chùa Tam Chúc đã bị hư hỏng và không còn nữa, nên từ đó nhân dân địa phương không còn duy trì được các hoạt động lễ hội vào dịp đầu Xuân hằng năm như trước đây. Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam đã triển khai dự án Khu du lịch Tam Chúc, trong đó trọng tâm là khôi phục các giá trị di sản của mảnh đất Tam Chúc, điển hình là xây dựng chùa Tam Chúc và Khu du lịch - văn hóa tâm linh. Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, Hội Xuân Tam Chúc lại được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đồng thời, giúp giới thiệu, quảng bá với du khách trong, ngoài nước về những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và mảnh đất Hà Nam nói riêng.

anh tin bai

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy phát biểu tại Hội Xuân Tam Chúc 2024.

Năm 2023, Hà Nam được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”. Phát biểu tại Hội Xuân, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy thay mặt lãnh đạo tỉnh chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể nhân dân và du khách tới dự Hội Xuân.

Đồng chí cho biết: Sau hơn 130 năm thành lập và gần 30 năm tái lập tỉnh, bằng ý chí và khát vọng mạnh mẽ, tỉnh Hà Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt trên 50.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,41%, đứng thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 8 toàn quốc. GRDP bình quân đầu người đạt 96,3 triệu đồng, tăng 11,2% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đặc biệt, ngành dịch vụ, du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ sau khi tỉnh triển khai nhiều hoạt động quảng bá, kích cầu, từ đó tạo sức hấp dẫn, cạnh tranh cao.

Với phương châm khai thác tiềm năng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua, chủ trương phát triển du lịch đã được cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề, các quy hoạch, kế hoạch, đề án của cấp ủy, chính quyền các cấp. Cùng với đó, tỉnh Hà Nam chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch thông qua việc tổ chức và đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quy mô quốc gia, quốc tế, tạo tiếng vang mạnh mẽ như: Đại lễ Phật đản Vesak năm 2019, Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Nam năm 2023, Tuần Văn hoá - Du lịch Hà Nam năm 2023 và Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhật Bản, Lễ Khai hội Xuân Tam Chúc hằng năm...

Từ kết quả triển khai tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành du lịch Hà Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ: số lượt khách du lịch đến với tỉnh trong những năm qua không ngừng tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 20 - 25%. Tổng lượt khách du lịch năm 2023 ước đạt 4,4 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng. Với những giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, hấp dẫn riêng có, năm 2023 lần đầu tiên Hà Nam được Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”, hình ảnh Hà Nam đã được nâng tầm, khẳng định vị trí quan trọng, vững chắc trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để phát triển du lịch nhanh, bền vững, góp phần xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; tiến tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại, qua đó đóng góp chung vào sự đổi mới, phát triển của đất nước như mục tiêu của Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong bức tranh tổng quát về văn hóa, du lịch Hà Nam, danh lam thắng cảnh Tam Chúc là di sản tiêu biểu, độc đáo, có giá trị nổi bật và tài nguyên du lịch đa dạng, đặc biệt hấp dẫn với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên cũng như giá trị văn hóa. Với kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, Khu du lịch Tam Chúc đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tạo bước đột phá cho ngành du lịch Hà Nam, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu về phát triển du lịch của tỉnh.

Lễ khai hội Xuân Tam Chúc 2024 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm tiếp nối, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh vùng đất, con người Hà Nam đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước và quốc tế, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nam gắn với phát triển du lịch bền vững.

Tại Hội Xuân Tam Chúc 2024, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước đã trao hoa; đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Cúp “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” cho tỉnh Hà Nam.

anh tin bai

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL trao hoa và Cúp “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới” cho tỉnh Hà Nam.

anh tin bai

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy gióng trống khai hội.

anh tin bai

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Tam Chúc thỉnh chuông khai hội.

Tiếp theo, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Tam Chúc lên gióng trống, thỉnh chuông khai Hội Xuân Tam Chúc 2024. Cùng lúc đó, Thượng tọa Thích Minh Quang và chư vị phật tử thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an, cầu cho quốc gia được hưng thịnh, hòa bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

anh tin bai

Đại diện Giáo hội Phật giáo và các vị đại biểu cùng hành lễ rước nước.

Nghi lễ rước nước – phần nghi lễ tâm linh quan trọng nhất trong Hội Xuân Tam Chúc 2024 nhằm thể hiện lòng thành kính, biết ơn các vị Phật, Thần, Thánh, Mẫu và ước muốn cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu được thực hiện. Ban tổ chức đã bố trí 7 chiếc thuyền lớn cùng 200 chiếc thuyền nhỏ chở gần 500 người tham gia đoàn rước nước. Đoàn thuyền di chuyển từ bến thuyền Trung tâm Hội nghị quốc tế Vesak (Thủy đình) ra giữa hồ Tam Chúc thực hiện nghi thức lấy nước thiêng sau đó di chuyển cập bến Tam quan nội chuyển nước lên 3 xe rước và tiến hành nghi thức rước nước lên điện Tam Thế và chùa Ngọc.

anh tin bai

Các đại biểu thực hiện nghi thức lấy nước thiêng tại hồ Tam Chúc.

anh tin bai

Các đại biểu thực hiện nghi thức đưa nước thiêng lên điện Tam Thế.

anh tin bai

Các đại biểu thực hiện nghi thức đưa nước thiêng lên điện Tam Thế.

anh tin bai

Các đại biểu cầu nguyện quốc thái dân an tại điện Tam Thế.

Trước ngày chính hội, vào tối 20/2, chương trình trình diễn thời trang, biểu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa đã được diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Vesak. Với chủ đề “Fashion Show Nguyện ước chốn thiêng” chương trình đã giới thiệu nhiều bộ sưu tập của các nhà thiết kế. Xen kẽ là phần biểu diễn nghệ thuật với những ca sĩ tên tuổi như: Tân Nhàn, Phương Mỹ Chi, Hòa Minzy, Double2T…

Một số hình ảnh tại Hội Xuân Tam Chúc 2024:

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

 

anh tin bai

Nguồn Báo Hà Nam

Tag:

File đính kèm