Sign In

Ký ức về những ngày mùa thu cách mạng

06:13 01/09/2023

Gần tám thập kỷ đã đi qua nhưng ký ức về mùa thu cách mạng 1945 và những ấn tượng về sự đổi thay giữa hai chế độ xã hội… vẫn luôn là những câu chuyện sinh động, thanh tân và in dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương cũng như trong tâm thức những người từng trải.

Nhắc về ký ức những ngày mùa thu lịch sử cách đây 78 năm, cụ bà Trần Thị Thỏ (100 tuổi, quê ở vùng bán sơn địa Bồng Lạng, Thanh Nghị, Thanh Liêm) giọng rưng rưng, hồi tưởng: Trước cách mạng, mặc dù được coi là khá hơn nhiều so với vùng đồng bằng bởi “có rừng, có ruộng”, nhưng đời sống người dân Bồng Lạng vô cùng cơ cực. Nạn đói năm Ất Dậu 1945, nhiều gia đình chết cả nhà, không ít bà mẹ phải dứt ruột cho con đi để mong con tìm được đường sống, không bị chết đói. Với những gia đình khá giả hơn, tuy có cơm độn khoai, độn sắn nhưng cũng vô cùng lam lũ, vất vả với cảnh “hai bữa cơm mò; một bữa cơm bốc” (Hai bữa cơm buổi sáng sớm và tối muộn không có đèn phải ăn mò; bữa cơm trưa tranh thủ giữa buổi làm rừng trên nương, không bát đũa, phải dùng tay bốc). Chợ Hôm (chợ Bồng Lạng họp về chiều, bán chè, sắn, củi, bổi…) nổi tiếng sầm uất gần xa mà trước cách mạng, nhất là năm Ất Dậu cũng xao xác, thưa thớt, chẳng mấy người mua, bán, chỉ thấy người ăn xin, người chết đói…

Theo dữ liệu trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam 1927 – 1975”: Cuối 1944 đầu 1945, cùng với thiên tai liên tiếp, chính sách kinh tế độc ác của chính quyền thực dân, phát xít đã gây ra thảm họa chết đói thê thảm cho người dân khắp các vùng quê. 50.389 người dân Hà Nam bị chết đói. Hầu hết xã, thôn trong tỉnh đều có người chết đói. Một thôn nhỏ như thôn An Thặng, Tiên Hiệp, Duy Tiên (nay thuộc Phủ Lý) có 370 người thì 94 người chết đói; xã Xuân Khê (Lý Nhân) có 520 người chết đói; ở Bình Lục, người chết đói nằm la liệt khắp đường làng, góc chợ, ga tàu, bến đò, nhiều gia đình chết đói không còn một ai… Nhắc lại vài dữ liệu đau xót đó, vừa để tiếp nối câu chuyện của cụ Trần Thị Thỏ, vừa để thấy rõ hơn, sâu sắc hơn thêm giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

Cùng đưa ra những chiêm nghiệm về sự đổi đời giữa hai chế độ xã hội, cụ ông Lê Ngọc Biển (ở Vị Hạ, Trung Lương, Bình Lục, cùng làng với đại danh khoa bảng Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến) trầm ngâm trải lòng: Những người đã từng sống qua thời thực dân, phong kiến xưa và nay được sống trong cảnh thanh bình, no ấm mới càng thấu hiểu sâu sắc giá trị to lớn, ý nghĩa thiêng liêng của độc lập dân tộc, của cuộc sống hòa bình, tự do. Và bởi thế càng thấy rõ hơn công ơn của Đảng, Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, làm cho dân cày có ruộng, người người, nhà nhà có cơm no, áo ấm, con cháu được học hành tiến bộ. Cũng chính bởi vậy mà dù đã gần tám thập kỷ đi qua kể sau Cách mạng Tháng Tám đáng nhớ năm ấy, tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, người cán bộ lão thành Lê Ngọc Biển luôn tâm niệm một điều thật giản dị: sống sao cho xứng với truyền thống quê hương, xứng với sự hy sinh, cống hiến của hàng vạn cán bộ, đảng viên, quần chúng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ký ức về những ngày mùa thu cách mạng
Thành phố Phủ Lý hôm nay. Ảnh: Thành Nam

Tiếp nối dòng hồi ức về Cách mạng Tháng Tám và sự “đổi đời” giữa hai chế độ xã hội, giọng lão ông Lê Ngọc Biển chợt vui hoạt hẳn lên khi đưa ra một so sánh thật giản đơn, gần gũi và cũng thật xác đáng, thú vị: Nếu như trước Cách mạng Tháng Tám, vùng chiêm trũng nghèo khó Vị Hạ, Trung Lương, Bình Lục có đến hơn 99% người dân thất học thì nay chỉ tính riêng trong gia đình nhà cụ, 16 cháu nội, ngoại phần lớn là cử nhân, kỹ sư, nhiều cháu có bằng thạc sĩ, bốn, năm cháu đang làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài… Nếu minh chứng cho sự đổi đời của người dân nhờ những thành quả mà Cách mạng Tháng Tám 1945 đem lại, thiết nghĩ minh chứng và sự so sánh giản đơn của cụ ông Lê Ngọc Biển giàu sức thuyết phục đến nhường nào.

Với cựu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đầy Trần Bá Yến (quê Bàng Ba, Nhân Thịnh, Lý Nhân) ký ức về mùa thu Cách mạng Tháng Tám 1945 lại là những ngày hoạt động sôi nổi không thể nào quên. Cùng với hàng nghìn cán bộ, quần chúng yêu nước, người thanh niên trẻ tuổi Trần Bá Yến hòa mình vào thực tiễn cách mạng trên quê hương Lý Nhân, để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Gần tám thập kỷ đã qua nhưng dấu ấn về những ngày Tổng khởi nghĩa dường như vẫn vẹn nguyên trong ký ức người đảng viên lão thành Trần Bá Yến. Suốt thời gian từ 20/8/1945 (diễn ra tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Lý Nhân) đến ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945) và thời điểm tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946), cùng với tích cực hướng dẫn, vận động, tập hợp nhân dân tiếp nhận chính quyền từ tay những chức sắc, chức việc của chế độ cũ, động viên mọi người khẩn trương ổn định đời sống, người thanh niên Trần Bá Yến cùng bà con khắp các thôn may thêm cờ, kẻ thêm khẩu hiệu, tổ chức học truyền những bài hát cách mạng mừng chính quyền Việt Minh. Cuộc sống khi ấy, dẫu còn bộn bề vất vả, thiếu thốn mà sao không khí làng quê cũng như lòng người cứ náo nức vui như ngày hội. Không vui sao được, khi những cánh đồng "bờ xôi ruộng mật" bao năm nằm trong tay địa chủ, cường hào đã được giành lại, chia cho dân nghèo. Mọi thứ sưu cao, thuế nặng như cái ách quàng vào cổ dân nghèo đã được tháo bỏ. Khắp các ngả đường, cờ đỏ sao vàng cùng tiếng loa gọi, tiếng trống thúc rộn ràng, tiếng nói cười râm ran, ánh đuốc và những dòng khẩu hiệu viết trên tường, trên cây… tất cả như sáng bừng lên, xua tan khung cảnh tăm tối, tù đọng của làng quê trước đó.

Đáp lời kêu gọi toàn dân "diệt giặc đói", "giặc dốt", các xóm bừng bừng khí thế thi đua, ban ngày tăng gia sản xuất, tối tối sáng đèn những lớp bình dân học vụ. Sau bầu cử ngày 6/1/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ và Chính phủ, người thanh niên Trần Bá Yến tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cưới xin, tang ma theo nếp sống mới, hạn chế cỗ bàn, bỏ bàn đèn thuốc phiện, cờ bạc. Cùng với đó, vận động những hương sư (thầy giáo làng) và những thanh niên có học tình nguyện đứng ra giúp chính quyền lo việc dạy chữ cho nhân dân. Thật vui khi nhiều người dù đã vào tuổi lên lão nhưng tối tối vẫn hăng hái cầm đèn dầu đi học, mỗi làng có hàng chục điểm bình dân học vụ, hằng đêm luôn vang lên tiếng đồng thanh đánh vần, đồng thanh hát những bài hát tập thể, tiếng trẻ thơ hòa lẫn tiếng người già...

Ngưng lại đôi chút giữa dòng hồi tưởng về những ngày mùa thu cách mạng, người đảng viên lão thành Trần Bá Yến chậm rãi đúc kết: “Là một công dân được Đảng giác ngộ, theo Đảng tham gia hoạt động cách mạng, được lao động, học tập, rèn luyện, trưởng thành ở nhiều lĩnh vực công tác thuộc nhiều giai đoạn, thời kỳ của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi càng thấm thía câu nói bất hủ của Bác Hồ kính yêu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Sống trong không khí náo nức của những ngày mùa thu lịch sử, chúng tôi càng thấy vinh dự, tự hào, càng thấy tin tưởng sâu sắc vào thắng lợi của công cuộc đổi mới mà Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đồng cảm với những tâm sự của người đảng viên lão thành Trần Bá Yến, tiếp nối câu chuyện của cụ bà trăm tuổi Trần Thị Thỏ nơi xóm núi Bồng Lạng, Thanh Nghị, Thanh Liêm, người viết bài thấy thật vui khi vùng quê bán sơn địa xa khuất thuộc miền tây Đáy bây giờ những trục đường thảm nhựa rộng phẳng thênh thang dẫn đến từng cánh rừng xa nhất. Những xóm núi Thanh Bồng, Thanh Sơn điện sáng chan hòa mọi ngả. Chợ Hôm một thời chuyên chè xanh, sắn trắng, than, củi, bổi, luồng… bây giờ sầm uất biết bao nhiêu thứ hàng hóa, ngày ngày nhộn nhịp người bán, người mua...

Không thể kể hết mọi cung bậc của bao dòng xúc cảm khi gợi lại ký ức về những ngày tháng không thể nào quên của toàn dân Việt Nam, của quê hương Hà Nam trong mùa thu cách mạng - mùa thu Tổng khởi nghĩa, giành và xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân cách đây gần tám thập kỷ. Nhắc lại chuyện về quãng đời tăm tối trước Cách mạng Tháng Tám, hồi tưởng về khí thế sục sôi trong những ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân…để thêm một lần hiểu sâu sắc hơn, để trân quý hơn giá trị cao đẹp, thiêng liêng của cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do hiện tại. Và dẫu biết rằng trong thời bình hôm nay, không phải ai cũng có thể hiểu một cách tường tận và sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng từ những lời tâm thành mộc mạc mà rất đỗi đằm nặng xúc cảm của bao người từng trải đi trước, nhưng có một điều chắc chắn những tâm thành đằm nặng xúc cảm đó sẽ mãi là xúc cảm lạc quan cách mạng đẹp đẽ, hào sảng trong tâm khảm những công dân Việt Nam yêu nước về những năm tháng hào hùng không thể nào quên của mùa thu cách mạng.

Thế Vĩnh

Tag:

File đính kèm