Toàn tỉnh có 11 tổ chức hành nghề Luật sư; 5 chi nhánh tổ chức hành nghề Luật sư. Các tổ chức hành nghề Luật sư đều được cấp Giấy đăng ký hoạt động kịp thời, đúng hạn. Các tổ chức và chi nhánh tổ chức hành nghề trên địa bàn tỉnh đều thực hiện cơ bản đảm bảo quy định của pháp luật. Hiện có 22 Luật sư đang hành nghề tại các tổ chức hành nghề. Số lượng luật sư cơ bản đáp ứng thực hiện tốt các nhu cầu về dịch vụ pháp lý trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu; có phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn tốt, luôn tâm huyết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người được bảo vệ. Nhiều luật sư tích cực tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách. Chất lượng hoạt động tham gia tố tụng và tư vấn pháp luật của các luật sư tương đối tốt, nhận được sự tín nhiệm của Nhân dân và doanh nghiệp.
Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Đoàn luật sư tỉnh và Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư một số tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề Luật sư, trong đó tập trung các nội dung như: Chuyên môn, nghiệp vụ, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Thông qua việc bồi dưỡng, đã góp phần nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức cho đội ngũ luật sư trong tỉnh. Việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề Luật sư luôn được Sở Tư pháp quan tâm và thực hiện đúng quy định. Từ năm 2023 đến nay, Sở đã đề nghị Bộ Tư pháp cấp 3 Chứng chỉ hành nghề cho 3 luật sư được miễn đào tào nghề theo quy định. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, vận động các thành viên trong Đoàn Luật sư chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, Đoàn Luật sư, các tổ chức luật sư đã rất tích cực phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, các Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án các cấp trong quá trình tham gia tố tụng.
Với vai trò tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư tại địa phương, Sở Tư pháp đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã tiến hành kiểm tra 1 cuộc kiểm tra và 1 cuộc thanh tra tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, thanh tra đã phát hiện một số vi phạm và kịp thời chấn chỉnh. Hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, góp phần củng cố và phát triển các tổ chức Luật sư trên địa bàn
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Luật sư được tăng cường. Sở đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 33- CT/TW; Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020; Luật Luật sư và Đề án phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh tới cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh. Qua đó đã nâng cao vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội. Các tổ chức, cá Nhân dân hình thành nhu cầu sử dụng luật sư trong các giao dịch dân sự, hành chính, trong hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Đến nay, số vụ việc luật sư tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác ngày càng tăng về số lượng và hình thức tham gia hoạt động, cụ thể: Có 28 vụ án về hình sự, 80 vụ việc tư vấn pháp luật, 3 vụ thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý... So với hoạt động hành nghề luật sư ở các địa phương khác, hoạt động hành nghề luật sư tại tỉnh còn nhiều hạn chế, chủ yếu tham gia thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý.
Ngoài những kết quả đạt được, công tác triển khai thi hành Luật Luật sư tồn tại một số khó khăn, vướng mắc: Đội ngũ luật sư của tỉnh Hòa Bình hiện tại có độ tuổi trung bình cao, chất lượng hoạt động chuyên môn chưa đồng đều, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong việc nghiên cứu pháp luật, bào chữa vtrongc còn hạn chế, chưa có Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư hoạt động hành nghề trong lĩnh vực thương mại quốc tế; giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
Khắc phục những hạn chế trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về luật sư để việc áp dụng pháp luật tại cấp cơ sở được thuận lợi, tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phát triển. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội thảo, lớp bồi dưỡng, nhằm năng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề của luật sư, đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật kinh tế, thương mại, đầu tư, chứng khoán, tài chính ngân hàng, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh. Phát huy sở trường của luật sư tham gia bảo vệ quyền sáng chế đối với sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ quyền lợi trong các vụ án liên doanh - đầu tư quốc tế, chứng khoán, tài chính ngân hàng...
Kim Quý (CTTĐT)