Tháng 3 này ở Ninh Vân, những đóa hoa lại được thả xuống mặt biển để tưởng nhớ đến thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tàu C235 ở bến Hòn Hèo rạng sáng 1-3-1968. 56 năm đã qua kể từ sự kiện lịch sử đó, khí phách anh hùng của những người lính trên chuyến “tàu không số” vẫn luôn được khắc ghi. Ở mảnh đất họ ngã xuống, cuộc sống đang đổi thay từng ngày.
Khúc tráng ca trên biển Hòn Hèo
Tôi trở lại Ninh Vân khi ngày kỷ niệm sự kiện tàu C235 đã cận kề! Đầu xuân, nắng vàng như rót mật, xa xa là mặt biển xanh rì. Xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) nằm nép mình dưới chân núi Hòn Hèo. Ghé thăm Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 nằm ở phía cuối xã, nơi có ghềnh đá nhô ra sát biển, là nơi thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã hy sinh, lòng lại trào dâng xúc động khi thấy những đóa hoa tươi mà ai đó đã viếng từ hôm trước. Đã nhiều năm nay, Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 là điểm đến quen thuộc với người dân và du khách. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chọn nơi đây để tổ chức lễ kết nạp đảng viên, làm “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
|
Lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 vào tháng 3-2023. Ảnh: Vĩnh Thành |
|
Cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ dâng hương tại Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 tại xã Ninh Vân. Ảnh: Vĩnh Thành |
Trong buổi sớm mai vắng lặng, nhìn danh sách 14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 đã hy sinh khi còn rất trẻ (người trẻ nhất là Trung sĩ Nguyễn Văn Dưỡng, hy sinh ở tuổi 21) mà không khỏi cảm phục. Trong tiếng sóng vỗ rì rào, tôi nhớ đến câu hát trong ca khúc Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh “Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng/Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương/Nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm/Là người tôi sẽ chết cho quê hương…”. Vâng! Các anh đã tự nguyện chiến đấu, hy sinh cho độc lập, thống nhất của quê hương. Theo các cựu chiến binh tàu C235, từ những lời tâm sự thường ngày cho đến những lá thư mà thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh viết cho bạn bè, người thân đều thấm đẫm tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. “Chúng ta phải là những con lạc đà trên bãi sa mạc, mỗi bước đi, mỗi vết chân của chúng ta vì sự nghiệp của Đảng, chúng ta phải là những chiếc cầu chì, vui vẻ và lạc quan mà nhận lấy công tác ở những nơi nguy hiểm nhất. Và khi cần thiết ta hy sinh sinh mạng mình cho Đảng, cho nhân dân...” - đó là những dòng thư thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh viết năm 1967 gửi cho người bạn Trần Phong (nguyên Quyền đoàn trưởng Đoàn 125 Hải quân, nay là Lữ đoàn 125). Những lời tâm huyết đó không chỉ là lý tưởng của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh mà còn là lý tưởng chung của cán bộ, chiến sĩ trên các chuyến “tàu không số”. Chính vì vậy, khi rơi vào vòng vây quân thù ở bến Hòn Hèo, họ đã không nao núng, chiến đấu đến giây phút cuối cùng. “Nơi đây, ngày 1-3-1968, tàu C235 làm nhiệm vụ chở vũ khí chi viện cho chiến trường khu VI đã chiến đấu với 7 tàu chiến và 2 liên đoàn biệt động Mỹ - ngụy vẫn thả hàng an toàn và kịp thời hủy tàu. 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu đã hy sinh anh dũng…”. Những dòng chữ ngắn gọn ghi lại sự kiện tàu C235 đặt ở nhà bia lưu niệm như một đoạn phim đặc tả về khúc tráng ca trên biển Hòn Hèo ngày hôm ấy, là minh chứng cho lý tưởng "khi cần thiết ta hy sinh sinh mạng mình cho Đảng, cho nhân dân".
Ninh Vân hôm nay
Tháng 3 ở Ninh Vân! Đứng trên bến Hòn Hèo, nhìn về phía xã đảo! Mái ngói của Trường THCS Nguyễn Phan Vinh bừng lên trong nắng sớm. Tôi đã từng nhiều lần cùng các cựu chiến binh “tàu không số” ghé thăm ngôi trường mang tên người thuyền trưởng anh hùng của tàu C235. Ở đó, tấm hình của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được treo trang trọng trong phòng lưu niệm của trường. Ở đó, lớp trẻ hôm nay đang ra sức học tập để ngày mai lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương. Đi sâu vào làng đảo, cuộc sống nhiều đổi thay, nhà cửa khang trang hơn trước rất nhiều. Ngoài nghề đi biển, người dân Ninh Vân bây giờ còn trồng tỏi, bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Năm 2023, UBND tỉnh có quyết định công nhận xã Ninh Vân là địa điểm phát triển du lịch cộng đồng nên nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà nghỉ theo mô hình homestay để làm du lịch, một số khác đầu tư mở nhà hàng, xây dựng fanpage để quảng bá du lịch. Và điều mà người dân Ninh Vân luôn tự hào, luôn quảng bá đến du khách đó chính là Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235. Hôm tôi đến, ghé quán nước ở thôn Tây, người dân đã niềm nở giới thiệu sắp đến ngày kỷ niệm sự kiện tàu C235. Sống trên mảnh đất này, hơn ai hết những người dân Ninh Vân thấu hiểu giá trị của hòa bình, thống nhất đất nước, biết ơn công lao của những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nước. Tấm gương hy sinh vì nước của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tiếp nối tấm gương của lớp người đi trước, các ông Nguyễn Bá Trọng, Trà Thái Lâm - những người cao tuổi trong xã… thường kể cho lớp con, cháu hôm nay về sự kiện tàu C235. "Ngày đó, gia đình tôi là một trong số ít gia đình bám trụ ở vùng đất này. Lúc đó tôi hơn 10 tuổi, đêm xảy ra sự kiện tàu C235, quân ta và địch đánh nhau rất ác liệt. Tiếng nổ của tàu C235 vang dội khắp cả vùng… Sau này, khi lớn lên, tôi mới biết chi tiết về cuộc chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ tàu C235”, ông Lâm chia sẻ.
|
Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh tổ chức kết nạp đảng viên ở Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235. |
Tháng 3 này ở Ninh Vân! Khi tôi viết bài này, nhận được tin các cựu chiến binh của tàu C235 là Lê Duy Mai, Hà Minh Thật sẽ có mặt trong lễ kỷ niệm 56 năm sự kiện tàu C235 tại bến Hòn Hèo. Những đóa hoa lại được các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, chính quyền và người dân địa phương thả xuống mặt biển để tưởng nhớ thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến năm xưa. Trở lại mảnh đất này, các cựu chiến binh tàu C235 chắc chắn sẽ vui bởi hôm nay Ninh Vân đã tươi mới. Sau khi xảy ra sự kiện tàu C235, bến Hòn Hèo bị lộ, địch đã càn quét, truy lùng các chiến sĩ của tàu. Thời kỳ đó, cả vùng Ninh Vân này chỉ có 6 gia đình (đa phần là cơ sở cách mạng) bám trụ ở lại. Sau năm 1975, vùng đất Ninh Vân còn gặp khó khăn bởi địa hình cách trở. Rồi điện được kéo đến, đường nối từ Ninh Phước đến Ninh Vân được mở ra… đời sống người dân dần đổi thay. “Hiện nay, toàn xã Ninh Vân có 558 hộ với 2.124 nhân khẩu. Toàn xã có 115 ghe thuyền đánh bắt thủy sản, đạt sản lượng 1.410 tấn/năm. Bên cạnh đó, người dân còn trồng tỏi và xây dựng được thương hiệu tỏi Ninh Vân đạt chuẩn VietGAP, chăn nuôi bò… Trong công tác giáo dục, 100% giáo viên ở Ninh Vân đạt chuẩn, tỷ lệ học sinh ra lớp ở các cấp học đều đạt 100%. Cuối năm 2018, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (hiện đạt 11/19 tiêu chí)", ông Trà Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân chia sẻ.
Vâng! Dẫu chưa hết khó khăn song nơi thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội nằm lại đã thật sự đổi thay. Người dân ngày một đông hơn, khách du lịch đã tìm đến với Ninh Vân. Và một khi đã đến mảnh đất này, tất cả đều ghé thăm Di tích địa điểm lưu niệm tàu C236 để bày tỏ lòng biết ơn sự hy sinh của thế hệ đi trước.
Ngày 1-3-1968, trên đường vào vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường khu VI, tàu C235 bị lộ. Địch đã huy động lực lượng vây bắt, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã mưu trí thả hàng an toàn và kịp thời cho nổ hủy tàu. Trong trận chiến ở bến Hòn Hèo, 14 cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 đã hy sinh, 1 chiến sĩ bị bắt; 5 chiến sĩ được lực lượng ở bến tìm thấy chăm sóc, hồi phục sức khỏe rồi vượt Trường Sơn trở ra miền Bắc. Năm 1970, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên anh đã được đặt tên cho một hòn đảo ở quần đảo Trường Sa và đường phố ở Nha Trang, Đà Nẵng. Năm 2011, tập thể tàu C235 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.Tại bến Hòn Hèo, Lữ đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) đã xây dựng tấm bia kỷ niệm sự kiện tàu C235 chiến đấu anh dũng ở đây. Năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận địa điểm lưu niệm tàu C235 là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. UBND tỉnh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng tôn tạo khu di tích này.
Theo https://baokhanhhoa.vn/phong-su/202402/thang-3-o-ninh-van-cb90993/