Nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về tầm quan trọng đối với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 211-KH/TU, ngày 21/6/2024 để xác định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phải bám sát các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể phù hợp với tình hình thực tế địa phương, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đặt ra các mục tiêu cần thực hiện trong thời gian tới như sau:
- Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người lao động trong tình hình mới. Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
- Bảo đảm công tác huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, người sử dụng lao động, người làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và người lao động được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Trong đó, 100% các chính sách, văn bản pháp luật của Nhà nước và tài liệu thông tin về an toàn lao động, vệ sinh lao động được tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, đoàn thể, các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động.
- Phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỉ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm. Đảm bảo 100% người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng lao động; tất cả số vụ tai nạn lao động chết người được điều tra, xử lý theo quy định.
Để bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phải thực hiện như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong tình hình mới
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy, phát triển thị trường lao động, việc làm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh.
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng lao động, bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động
- Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 31-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động.
- Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 31-CT/TW và quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Tạo điều kiện cho người lao động, nhất là người làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động được tiếp cận thông tin liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động; qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động của bản thân.
- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hoá an toàn lao động trong hội viên, đoàn viên và nhân dân. Đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và điều kiện làm việc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ. Nâng cao hiệu quả, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, Tháng Công nhân.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động
- Nâng cao hiệu quả hoạt động, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện, chuyển giao, cập nhật kiến thức, kỹ năng an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, y tế tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; thanh tra lao động, thanh tra an toàn, vệ sinh lao động, bao gồm cả khu vực không có quan hệ lao động.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở, theo hướng ưu tiên cho các hoạt động phòng ngừa, quản lý rủi ro. Thực hiện nghiêm việc khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; quan trắc môi trường lao động; khám sức khỏe định kỳ, khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp; kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
- Quan tâm công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các nhóm lao động nữ, người chưa thành niên, người khuyết tật, người cao tuổi, giúp việc gia đình, người học nghề, tập nghề, thử việc và lao động được cho thuê lại. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Thứ tư, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động
- Bố trí đầy đủ kinh phí đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cả khu vực không có quan hệ lao động.
- Chú trọng các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ; tiếp tục xây dựng các đề tài khoa học - công nghệ trong các ngành, nghề sản xuất là thế mạnh của tỉnh như sửa chữa, đóng tàu, du lịch, dịch vụ, khai thác và chế biến thủy sản, đặc biệt là những ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Qua đó, cải thiện môi trường lao động và điều kiện lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục phát huy các nguồn lực xã hội tham gia vào việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Phát triển các dịch vụ huấn luyện, kiểm định tư vấn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động. Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
N.X.T