Hòa thượng Danh Đổng, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang, trao tặng quà tết cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Định Hòa, huyện Gò Quao.
Thi đua yêu nước, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Phật giáo Nam tông Kiên Giang gồm có 76 ngôi chùa tọa lạc ở 13 huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó có 4 ngôi chùa và một ngôi tháp thờ 4 vị Hòa thượng liệt sĩ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia; 3 chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tổng số tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer hiện nay là 928 vị. Hầu hết, các vị tu sĩ luôn tích cực trong việc thuyết giảng Phật pháp lồng ghép công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Vào ngày rằm và ngày 30 âm lịch hàng tháng, các vị trụ trì ở các điểm chùa đều có chương trình hướng dẫn phật tử tu học đúng theo chánh pháp, lồng ghép hướng dẫn sư sãi và phật tử thực hành theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thông qua công tác tuyên truyền, đồng bào dân tộc Khmer tích cực hơn trong tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa; tích cực hưởng ứng công tác an sinh xã hội do Ban Trị sự tỉnh và chính quyền, mặt trận các cấp phát động. Qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt của vùng quê, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer.
Theo Hòa thượng Danh Đổng, Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh cho biết: Các vị sư sãi và phật tử luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhiều vị trong ban chấp hành ở các cấp hội tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần xây dựng chính quyền như ứng cử hội đồng nhân dân các cấp, tham gia công tác xã hội. Nhìn chung, các vị đều có trách nhiệm của mình, đại diện tiếng nói của Hội, của sư sãi và Phật tử Khmer, là cầu nối rất quan trọng giữa các cấp hội với Đảng, Nhà nước.
Công tác vận động trẻ đến trường đúng độ tuổi được các chùa quan tâm thực hiện. Để giúp trẻ được tiếp tục đến trường, một số chùa đã nhận nuôi trẻ em nghèo do cha mẹ đi làm ăn xa không có điều kiện chăm sóc dạy bảo, góp phần rất lớn vào việc hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng, lưu ban hay ở lại lớp. Đặc biệt là dịp hè năm học 2022-2023, các chùa trong toàn tỉnh đã mở được 105 lớp dạy học chữ Khmer từ lớp 1 đến lớp 5 với tổng số học sinh là khoảng 3.000 em, góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.
Bên cạnh đó, các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer như lễ Dâng y, lễ Kiết giới Sima, lễ Cầu an, Sen Đôn-ta, tết Chôl-Chnăm-Thmây… luôn được duy trì và thực hiện theo đúng phong tục tập quán. Đặc biệt là lễ hội Oóc-om-bóc - đua Ghe Ngo là một trong những lễ hội được Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì tổ chức hàng năm đã trở thành ngày hội chung của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa.
Thực hiện tốt công tác phật sự và từ thiện xã hội
Trong những buổi thuyết giảng Phật pháp, Hội thường xuyên vận động, hướng dẫn sư sãi và phật tử phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tích cực hưởng ứng công tác an sinh xã hội do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và chính quyền các cấp phát động.
Trong năm 2023, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh đã cùng với các chùa Phật giáo Nam tông trong tỉnh đã vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và Phật tử thập phương cất nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo, xây cầu, làm đường, khoan giếng nước; tặng tập viết, học bổng cho học sinh nghèo, khó khăn; phát quà cho người nghèo nhân ngày lễ lớn tại chùa; nhận nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ em không nơi nương tựa; hốt thuốc nam trị bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, hỗ trợ quan tài, hoả táng miễn phí cho người nghèo khi qua đời… với tổng số tiền trên 18 tỷ đồng.
Thời gian tới, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết trong sư sãi và đồng bào phật tử, các hệ phái với các tôn giáo bạn, tạo sự chuyển biến mới về nhận thức và hành động, đưa mọi hoạt động của Hội đi vào nền nếp ổn định và phát triển theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội".
Kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, dân tộc đến toàn thể sư sãi và đồng bào phật tử trong tỉnh gắn với tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Vận động các chùa tham gia tiếp sức mùa thi năm 2024 do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tổ chức. Đôn đốc các chùa xây dựng các công trình trong chùa theo truyền thống kết hợp kiến trúc hiện đại với kiến trúc cổ, khi xây dựng phải làm thủ tục xin phép cấp có thẩm quyền. Tiếp tục chỉ đạo các chùa làm công tác từ thiện xã hội, từ nay đến cuối năm 2024 phấn đấu đạt từ 10 tỷ đồng trở lên...
Nguyễn Hoa