Sign In

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

00:00 01/10/2024
​Ngày 24/9/2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kiên Giang ban hành Công văn số 1248-CV/TU, về tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực thi công vụ và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Công văn này phổ biến đến chi bộ và các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện.

1-10-24_967af0b825bbc497a92aec9288ea19d6.jpg

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kiên Giang tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.

 

Công văn của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nêu rõ: Thời gian qua, công tác PCTNTC được các cấp, các ngành triển khai thực hiện khá nghiêm túc và đạt được những kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong PCTNTC từng bước được nâng lên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo thực hiện công tác này, trong đó chú trọng các biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra của Nhà nước; gắn công tác PCTNTC với công tác cán bộ, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

Tuy nhiên, công tác PCTNTC thời gian qua vẫn còn hạn chế nhất định; sự chuyển biến chưa đồng đều, còn có địa phương, đơn vị chưa thật sự quyết liệt; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm. Công tác quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực còn sơ hở; tình trạng cán bộ, đảng viên lợi dụng thực thi công vụ để trục lợi, nhận hối lộ hoặc nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Một số đơn vị, địa phương có cán bộ, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý hình sự làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị, địa phương. Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm thường xuyên, đúng mức; công tác giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội về PCTNTC hiệu quả chưa cao. 

Những hạn chế nêu trên là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTNTC. Công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức PCTNTC trong cán bộ, đảng viên nhất là ở những ngành, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực chưa được quan tâm, đúng mức. Sự gương mẫu của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng. 

Để khắc phục tình trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 12-KL/TW, ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTNTC; các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTNTC trong các lĩnh vực; các văn bản của Trung ương, tỉnh về PCTNTC. Các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình; quyết tâm lãnh đạo thực hiện hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong năm 2024 và nhiệm vụ được nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 (trong đó có Kế hoạch số 28-KH/TU, ngày 14/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác PCTN, lãng phí), góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

Hai là, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và các quy định của Đảng, Nhà nước trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xây dựng và thực hiện nghiêm túc văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội. Phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Ba là, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm; mạnh dạn phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh cán bộ làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu quyết liệt, làm việc lơ là, cầm chừng, kém hiệu quả. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thường xuyên chấn chỉnh, tổ chức kiểm tra, giám sát đột xuất để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các biểu hiện tiêu cực, “tham nhũng vặt" và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bốn là, phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chứcchính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác PCTNTC. Nâng cao chất lượng chất vấn, giám sát, phản biện các lĩnh vực có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực và giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTNTC của địa phương.

Năm là, nỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu của các tổ chức trong hệ thống chính trị phải thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trao dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng; nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng, danh dự, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; mẫu mực về đạo đức, lối sống; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi; tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động; có quyết tâm chính trị cao trong đấu tranh PCTNTC…; thực hiện nghiêm túc theo Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. 

Sáu là, các cơ quan truyền thông, báo chí của địa phương tích cực tuyên truyền sâu rộng về công tác PCTNTC, nhất là tuyên truyền về tấm gương, đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, trong sáng, liêm khiết, tận tụy, khoa học, sâu sát, quyết liệt theo những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác PCTNTC và khẳng định sự quyết tâm, tiếp nối không ngừng, không nghĩ, kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh phối hợp, tham mưu triển khai, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc và báo cáo việc thực hiện nội dung Công văn này.

PV

Tag:

File đính kèm