Sign In

Thương binh “tàn nhưng không phế”

00:00 04/05/2023
Đất nước ta có được cơ đồ như ngày nay là nhờ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và những người có công với cách mạng. Khi trở về với cuộc sống đời thường, những thương binh, bệnh binh năm xưa tiếp tục gương mẫu trong làm kinh tế gia đình, xứng danh với lời Bác Hồ dạy “thương binh tàn nhưng không phế”.

4-5-23 H3.jpg

Thương binh Nguyễn Thành Voi, ngụ ấp cây Bàng, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (bên phải), thăm vườn sầu riêng của gia đình.


Năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hà Mạnh Phùng, ngụ ấp Đường Gỗ Vàm, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, lên đường tham gia chiến đấu chống Mỹ. Hòa bình lập lại, ông Phùng được cử đi học sĩ quan, sau đó giữ chức đại đội phó và tiếp tục tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, rồi làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. 

Đến năm 1979, ông Phùng bị thương và được nghỉ chế độ thương binh loại 3/4. Trở về với cuộc sống đời thường, sức khỏe suy giảm, nhưng ông luôn ghi nhớ và thực hiện lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế", ông vừa làm ruộng, vừa chăn nuôi heo. Ban đầu, ông nuôi heo thịt và tích lũy kinh nghiệm, sau đó ông nuôi thêm heo nái. Nhờ chịu khó nghiên cứu, học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi, nên đàn heo hơn 20 con của ông luôn phát triển tốt, giúp ông vươn lên khá giả nuôi ba người con ăn học nên người.

Thương binh Nguyễn Thành Voi, ngụ ấp cây Bàng, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1968. Một năm sau, ông Voi bị thương, trở thành thương binh loại 4/4 nhưng vẫn tiếp tục tham gia chiến trường. Hòa bình lập lại, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội. Đến năm 1993, do sức khỏe suy giảm, ông xin nghỉ mất sức về nhà làm kinh tế. Ông Voi chia sẻ: Chính quyền địa phương luôn quan tâm, thăm hỏi động viên tinh thần. Ban đầu không có vốn, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng, tôi làm hệ thống tưới nước tự động, mua cây giống xoài cát hòa lộc trồng, nuôi cá dưới mương để lấy ngắn nuôi dài; mỗi năm, thu nhập từ trồng xoài trên 50 triệu đồng.

Với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ", ông Voi rất chịu khó học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật trồng cây theo phương pháp hữu cơ thông qua các lớp tập huấn, mạng xã hội. Ông tự ủ phân từ nguồn cá nuôi và phế phẩm thực vật bón cho cây, nhờ vậy mà vườn cây của ông luôn phát triển tốt. Một thời gian sau, nhận thấy hiệu quả từ cây xoài không cao bằng sầu riêng, ông Voi đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng 120 cây sầu riêng Ri6 và sầu riêng thái monthong, với diện tích 01 héc ta. Đến nay, sầu riêng được gần 4 năm tuổi và đang cho trái, mặc dù chưa đến ngày thu hoạch nhưng đã có nhiều người đặt mua.

Đồng chí Lê Văn Thắng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, cho biết: Thời gian qua, xã khuyến khích bà con trồng thêm nhiều loại cây ăn trái như măng cụt, khóm, sầu riêng,… Trong đó, vườn sầu riêng của ông Voi đã góp phần thu hút thêm nhiều khách du lịch đến thăm quan, tạo thu nhập đang kể cho bà con.

Đồng chí Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Giồng Riềng, cho biết: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ cây, con giống, vốn vay ưu đãi để các thương binh phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất.

Từ những chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, cùng với sự quan tâm của chính quyền và nhân dân địa phương, đã góp phần động viên, tạo điều kiện thuận lợi để người có công, nhất là các thương binh, bệnh binh tiếp tục phát huy nhiệt huyết cống hiến trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng danh với lời Bác Hồ dạy “thương binh tàn nhưng không phế".

Ngân Trang


Tag:

File đính kèm