Sign In

Tinh thần yêu nước và tính cố kết cộng đồng

00:00 11/10/2023
​Qua Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, một lần nữa khẳng định tinh thần yêu nước và tính cố kết cộng đồng là truyền thống rất tốt đẹp của nhân dân ta. Truyền thống đó được hình thành và củng cố trong suốt lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà không thế lực nào có thể xuyên tạc, chống phá.

​​11-10-23 mvzv b.jpg

Đông đảo nhân dân và du khách tham dự Lễ hội truyền thống kỷ niệm 155 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2023).


1. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là một biểu tượng tinh thần yêu nước bất khuất của nhân dân ta. Ông đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại về lòng căm thù giặc sâu sắc, anh dũng, kiên trung, sẵn sàng hy sinh vì nước, vì dân. 

Tinh thần yêu nước của Nguyễn Trung Trực được thể hiện qua câu nói: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây". Câu nói của ông một lần nữa khẳng định tinh thần chiến đấu đến cùng, cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ, không bao giờ đầu hàng của nhân dân ta trước giặc Pháp xâm lược.

Với tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Trung Trực đã tập hợp nghĩa quân, xây dựng lực lượng kháng chiến chống Pháp và lập nhiều chiến công. Đặc biệt, ông đã lập hai chiến côngvang dội, đó là trận đốt cháy tàu Espérance trên vàm Nhật Tảo năm 1861 và tiêu diệt đồn lũy đầu não của giặc Pháp tại tỉnh Rạch Giá năm 1868.  

Năm 1868, Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp bắt, tra tấn và hành hình dã man tại Rạch Giá; ông hy sinh khi vừa tròn 30 tuổi. Tấm gương hy sinh anh dũng cùng những chiến công hiển hách của Nguyễn Trung Trực đã để lại dấu không phai mờ trong lòng nhân dân. Sau khi Nguyễn Trung Trực mất, nhân dân đã lập đình thờ ông và ngưỡng mộ ông như một vị thần.

2. Hiện nay, không chỉ ở thành phố Rạch Giá, mà nhiều nơi trong tỉnh Kiên Giang và một số tỉnh như Long An, An Giang, Cà Mau, Bình Định… đều có đình, đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Nhiều gia đình còn lập bàn thờ Nguyễn Trung Trực như thờ ông bà, cha mẹ mình để tưởng nhớ công ơn của ông.

Đặc biệt, từ ngày 26-28/8 âm lịch hàng năm, tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Đây là lễ hội lớn của tỉnh, thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh và đồng bào khắp nơi hội tụ về thành phố Rạch Giá để bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ đối với Nguyễn Trung Trực, mà nhân dân vẫn thành kính gọi là Cụ Nguyễn.

Nét độc đáo của Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hàng năm đó chính là sự cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của nhân dân. Đến với lễ hội, đồng bào không chỉ được hoà mình vào các hoạt động phong phú, thiết thực, ý nghĩa, mà còn được phục vụ ăn nghỉ, khám bệnh miễn phí… 

Những ngày trước và trong lễ hội, rất nhiều người tự nguyện đóng góp vật chất, công sức để phục vụ hàng triệu lượt du khách một cách tốt nhất. Nhân dân xem việc đến Đình Nguyễn Trung Trực làm công đức như là được trở về gia đình, làm giỗ tổ tiên mình và cũng là thể hiện lòng yêu nước, tri ân Cụ Nguyễn…

3. Có thể nói, 155 năm đã trôi qua, kể từ ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2023), công lao của ông đối với nhân dân, đất nước không hề phai mờ. Lòng yêu nước và sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Trung Trực ngày càng có sức lan toả sâu rộng trong đời sống nhân dân. 

Chính công đức của Nguyễn Trung Trực - Cụ Nguyễn đã tạo nên sự cố kết cộng đồng sâu sắc. Đồng bào đến Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực để chiêm bái, tưởng nhớ ông; đồng thời cũng thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết và chia sẻ yêu thương. 

Đặc biệt, kể từ năm 2023, “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang" trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào lớn của tỉnh và là cơ sở, động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Qua Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, một lần nữa khẳng định tinh thần yêu nước và tính cố kết cộng đồng là truyền thống rất tốt đẹp của nhân dân ta. Truyền thống đó được hình thành và củng cố trong suốt lịch sử đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà không thế lực nào có thể xuyên tạc, chống phá.

Mai Tưởng


Tag:

File đính kèm