Ông Phạm Hùng Vinh, nhân chứng cuộc chia ly “Đi vinh quang, ở anh dũng" (giữa), kể lại buổi chia tay xuống tàu tập kết tại Vàm Chắc Băng năm 1954.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận có sự chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, nổi bật là công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Trọng tâm là tập trung tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng của Đảng; các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, lịch sử truyền thống cách mạng của quê hương Vĩnh Thuận anh hung; những tấm gương cộng sản tiêu biểu trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, thiết thực, với việc tận dụng các loại hình truyền thông mới, sử dụng hiệu quả internet và mạng xã hội trong công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, với các hình thức như tuyên truyền qua Facebook, group Zalo, bằng hình ảnh Infographic; video… để lan tỏa ý nghĩa, giá trị các sự kiện, nhân vật lịch sử, các công trình lịch sử Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, huyện đã tái bản 1.000 quyển sách “Lịch sử truyền thống huyện Vĩnh Thuận anh hùng"; xuất bản 1.500 quyển lịch sử truyền thống các xã anh hung Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Thuận, Vĩnh Phong. Hàng năm, Trung tâm Chính trị huyện đều đưa chuyên đề lịch sử truyền thống của huyện Vĩnh Thuận vào bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ, đảng viên, các hội viên đoàn thể. Tổ chức 12 cuộc toạ đàm với các nhân chứng lịch sử, nhân vật gắn liền với các sự kiện lịch sử của huyện, góp phần củng cố, bổ sung tư liệu, khẳng định những giá trị lịch sử của truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng bộ và nhân dân. Đồng thời, đánh giá thực trạng, tìm ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ. Đặc biệt, tổ chức các hội thi, sân chơi tìm hiểu kiến thức, các hoạt động về nguồn tham quan Khu di tích Ranh Hạt - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Kiên Giang,Khu di tích căn cứ Tỉnh uỷ ở Xẻo Gia, xã Vĩnh Bình Bắc, Khu tập kết 200 ngày đêm ở Vàm Chắc Băng, xã Phong Đông, Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú, Bia liệt sĩ ngành tuyên huấn của tỉnh, Bia trường thiếu sinh Quân quân khu 9…
Các trường học trên địa bàn huyện đã chú trọng tích hợp nội dung lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ huyện trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử, giáo dục công dân, giáo dục ngoài giờ lên lớp, lồng ghép nội dung chương trình với các hoạt động ngoại khóa. Những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong thời gian qua trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn kiến thức lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử địa phương. Qua đó, góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc, nâng cao bản lĩnh chính trị, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Để tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Đảng bộ huyện Vĩnh Thuận sẽ tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, thực hiện tốt nội dung nghiên cứu, biên soạn ấn phẩm lịch sử, đề cương tuyên truyền gắn với các sự kiện, địa danh lịch sử, nhất là sự kiện 60 năm thành lập huyện Vĩnh Thuận vào tháng 1/2024. Trong đó, chú trọng số hoá tư liệu thích ứng với quá trình chuyển đổi số hiện nay. Biên soạn lược sử hình thành các khu di tích, sự kiện lịch sử, xã An toàn khu, vùng An toàn khu của huyện để tuyên truyền, giới thiệu đến đông đảo cán bộ, nhân dân trong và ngoài huyện.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử trong hệ thống chính trị một cách thường xuyên, liên tục. Đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng cụ thể bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng để đạt hiệu quả cao. Chú trọng việc ứng dụng các phương tiện truyền thông trên internet, mạng xã hội để thu hút sự quan tâm của tuổi trẻ nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc lý tưởng, tình cảm cách mạng.
Ba là, tổ chức toạ đàm, hội thảo, gặp mặt các nhân chứng, nhân vật gắn liền với các sự kiện để bổ sung tư liệu, xây dựng kho tư liệu truyền thống. Nói chuyện chuyên đề, tham quan di tích lịch sử, về nguồn; tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức lịch sử, hoạt cảnh truyền thống… nhằm đưa kiến thức lịch sử đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân kịp thời.
Tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, sẽ tạo động lực tinh thần to lớn nhằm cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nỗ lực thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử truyền thống dân tộc, xây dựng vùng An toàn khu huyện Vĩnh Thuận anh hùng ngày càng phồn vinh, phát triển, hạnh phúc.
ThS Võ Thanh Xuân
Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Vĩnh Thuận