Với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là 3 chương trình MTQG, từ năm 2011 đến nay, ngân sách nhà nước và xã hội hóa đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho hàng trăm nghìn hộ gia đình người có công, hộ nghèo trong cả nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng đã hỗ trợ xây dựng nhà ở đại đoàn kết cho 670 nghìn hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, theo Bộ LĐ,TB&XH, đến nay cả nước vẫn còn khoảng 170 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa thuộc đối tượng hỗ trợ, phải sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên họ không có khả năng tự cải thiện điều kiện nhà ở.
Vì vậy, hỗ trợ các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ đột phá và mang tính cách mạng, là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và nhân văn sâu sắc,
| Xóa nhà tạm cho hộ nghèo huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: S.C |
|
Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Để cụ thể hoá Nghị quyết 42-NQ/TW, ngày 13/4/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động Phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025. Mục tiêu là phấn đấu hoàn thành mục tiêu trước 5 năm so với mốc thời gian Nghị quyết 42 đề ra.
Có thể khẳng định, Phong trào rất phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, thể hiện đậm nét tính ưu việt của xã hội chủ nghĩa, càng thể hiện rõ ý Đảng là chăm lo cho nhân dân “có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc” và “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Và ý Đảng đã gặp lòng dân. Ngay sau khi phát động, Phong trào thi đua đã được nhân dân cả nước, đồng bào trong và ngoài nước nhiệt tình hưởng ứng. Cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước đã tham gia Phong trào với tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít”.
Ở tỉnh ta, những năm qua, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát đã được triển khai với tinh thần toàn dân, toàn diện, chung sức đồng lòng vì người nghèo.
Cùng với các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực cùng nhau chung sức xóa nhà tạm.
Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 856 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số (trong đó có 85 hộ gia đình chính sách; 771 hộ nghèo, cận nghèo).
Giai đoạn 2019 - 2024, thông qua Quỹ vì người nghèo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã vận động được trên 58,9 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.067 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, toàn tỉnh vẫn còn 1.538 hộ khó khăn chưa có nhà ở hoặc nhà tạm, dột nát, rất cần sự chung tay góp sức, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
| Hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm. Ảnh: SC |
|
Xác định “an cư” mới “lạc nghiệp”, khi căn nhà tạm bợ được thay bằng một mái ấm kiên cố, khang trang sẽ tạo động lực vươn lên cho hộ nghèo, ngày 22/7/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2602/KH-UBND về triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2025”.
Sáng 18/9/2024, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức Lễ phát động Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến hết năm 2025.
Ngay tại lễ phát động, 57 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã trực tiếp ủng hộ 507 triệu đồng. Ban tổ chức lễ phát động cũng nhận được hơn 3 tỷ đồng của 37 cơ quan, đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn để Phong trào thi đua được lan tỏa sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực, hơn bao giờ hết, cả hệ thống chính trị cần coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Từ đó quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành bằng được mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2025.
Đổi mới phương pháp, cách làm trong huy động nguồn lực xã hội hóa, kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để chung tay hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát; huy động được sự giúp đỡ từ cộng đồng tại chỗ.
Đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, đồng thời có cơ chế để các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn hỗ trợ cho các địa phương khó khăn hơn thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Bên cạnh đó, người dân, hộ gia đình được hỗ trợ cũng phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa; phải tự đảm bảo một phần, thông qua kêu gọi bạn bè, người thân giúp đỡ, hỗ trợ các nguồn lực, công sức giúp đỡ lẫn nhau phù hợp.
Tin tưởng rằng Phong trào cả nước thi đua chung tay “xoá nhà tạm, nhà dột nát”, nơi gặp gỡ của Ý Đảng-lòng dân luôn nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội, doanh nghiệp và của toàn dân.
Sông Côn