Sign In

Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

22:22 09/10/2024

Trong thời gian qua, quán triệt và thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an, tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nghiêm túc các nội dung, yêu cầu về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), trọng tâm là: Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW; Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy; Luật Phòng cháy và chữa cháy… đạt được những kết quả tích cực; nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác PCCC và CNCH có nhiều chuyển biến; công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH ngày càng hiệu lực, hiệu quả; phong trào toàn dân tham gia PCCC được nhân rộng, phát huy.

1

Lực lượng công an kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy (Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ nhất là tại các khu dân cư, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, rừng,... một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của người dân.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do: Kinh tế - xã hội phát triển nhanh nhưng hạ tầng PCCC chưa được đầu tư phát triển đáp ứng với yêu cầu; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa thực sự coi trọng đến công tác PCCC và CNCH; chính sách pháp luật về PCCC còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính đồng bộ và thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan; công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH có nơi còn chưa nghiêm túc, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, một số nơi làm “qua loa, chiếu lệ”, chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn; một số tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đặc biệt là người đứng đầu còn xem nhẹ việc thực hiện quy định pháp luật về PCCC; một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan, lơ là, thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH; việc đầu tư cơ sở vật chất cho công tác PCCC và CNCH chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Từ tình hình trên, để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: 

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt quan điểm trong công tác PCCC và CNCH: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh Lạng Sơn. Lấy chủ động phòng ngừa là chính, lấy phòng ngừa là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để ngăn ngừa cháy, nổ với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Phải ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Đề cao hơn ý thức phòng ngừa, nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC và CNCH.

Hai là, thực hiện nghiêm quy định pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCCC và CNCH đảm bảo thực chất, toàn diện; việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ PCCC và CNCH. 

Đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác PCCC và CNCH phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay. Xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH.    

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao như: Các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, nhà ở nhiều căn hộ, nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; các cơ sở kinh doanh hoạt động vui chơi giải trí, karaoke, vũ trường; chợ, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người; khu, cụm công nghiệp, khu vực tập trung các nhà xưởng, kho hàng hóa tại các khu vực biên giới, cửa khẩu, rừng. Coi công tác PCCC là công việc hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của HĐND, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác PCCC và CNCH. 

 Ba là, đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH, các biện pháp, kỹ năng phòng cháy, thoát nạn và xử lý các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; ý thức tự trang bị phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong từng gia đình, nhất là bình chữa cháy, thiết bị báo cháy, dụng cụ thoát hiểm, mặt nạ phòng độc, cửa thoát hiểm…; tập huấn thường xuyên về các kỹ năng PCCC và CNCH cơ bản, hướng dẫn thoát nạn, cảnh báo khi có sự cố xảy ra. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC, nhân rộng các mô hình phù hợp với từng địa bàn bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, như: “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”; phát huy nhân rộng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”..; lồng ghép việc phổ biến, học tập kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học trên địa bàn tỉnh. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH. 

Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ đạo, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác PCCC và CNCH. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH. Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH phải tổ chức khắc phục khi đủ điều kiện mới cho phép hoạt động. Công khai thông tin của các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên cảnh báo cộng đồng, dân cư xung quanh biết. Kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH vào sử dụng. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. 

Năm là, thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành. Kiện toàn, củng cố về nhân lực, cơ sở vật chất cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực chất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện để ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Phát huy trách nhiệm của lực lượng Công an trong việc hướng dẫn thực hiện công tác PCCC và CNCH và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm là lực lượng nòng cốt tham mưu, triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn. Tăng cường công tác phối hợp hiệp đồng giữa lực lượng Công an và Quân đội trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cảnh báo cháy nhanh, số hóa hồ sơ quản lý địa bàn, cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý kịp thời khi cháy, nổ xảy ra. Thường xuyên tổ chức và nâng cao chất lượng tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia. Tăng cường công tác huấn luyện về nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở chuyên ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo phương châm “4 tại chỗ”. 

Sáu là, tăng cường đầu tư nguồn lực, xây dựng, trang bị cơ sở vật chất cho công tác phòng cháy, chữa cháy; có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC (giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc...); đầu tư, mua sắm phương tiện PCCC và CNCH. 

Bẩy là, thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị theo đúng quy định; xử lý nghiêm các công trình xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, lưới điện, sử dụng đất sai mục đích) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn từng cơ quan, tổ chức, hộ gia đình các biện pháp quản lý, sử dụng điện an toàn, khắc phục tình trạng sử dụng điện không đúng cách, không đúng yêu cầu của nhà sản xuất, hạn chế tối đa cháy, nổ do sự cố điện gây ra.

Tám là, triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh đồng bộ với Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC và CNCH, huy động nguồn lực đầu tư, trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; chú trọng đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC và CNCH hiện đại đáp ứng yêu cầu chữa cháy và CNCH.

Vương Hoà

Tag:

File đính kèm