Không gian mạng và những con số biết nói
Theo Luật An ninh mạng 2018 định nghĩa: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”.
Hiểu đơn giản thì không gian mạng là không gian xã hội trên mạng internet, là môi trường thông tin do con người tạo lập, phát triển, không có biên giới rõ ràng.
Mặc dù là không gian ảo, song không gian mạng cũng mang yếu tố thực, bởi nó diễn ra các hoạt động giao tiếp, làm việc, giải trí của con người; phản ánh đầy đủ các hoạt động, sinh hoạt của xã hội; tác động đến mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… gắn kết chặt chẽ với các môi trường tự nhiên, trở thành không gian sinh tồn rộng mở, có khả năng kiến tạo và gia tăng sức mạnh quốc gia với nguồn tài nguyên số cực lớn để các quốc gia khai thác, phát triển.
Không gian mạng có những ưu điểm vượt trội như: Tốc độ truyền tải thông tin cao, khả năng lưu trữ lớn cùng với nhiều công nghệ hiện đại; là không gian để các cá nhân có thể tương tác, trải nghiệm, trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin, học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng; tìm kiếm việc làm, kinh doanh, thậm chí có thu nhập, kiếm “bộn tiền” khi sáng tạo nội dung trên mạng xã hội…
Hiện nay, xu hướng người dân đọc tin tức qua mạng Internet, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng tăng cao. Phần lớn người dùng các nền tảng mạng xã hội, internet đã coi không gian mạng như chính cuộc sống của mình.
Theo báo cáo của Digital Việt Nam 2024 (nghiên cứu của Datareportal và Wearesocial) cho thấy, đến nay, Việt Nam có 78,44 triệu người sử dụng internet, chiếm tỉ lệ 79,1% tổng dân số; 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số…
Tại Lào Cai, mạng xã hội được sử dụng khá phổ biến trong các cơ quan, đơn vị, người dân. Điển hình như Cổng hành chính công tỉnh Lào Cai trên zalo. Hơn 50 cơ quan/đơn vị, 9/9 huyện/thị xã/thành phố, 152/152 xã/phường/thị trấn có trang fanpage trên facebook, hoạt động cơ bản ổn định.
Đối với tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, ở Lào Cai đã hình thành một cộng đồng rộng lớn với nhiều công dân ở mọi thành phần như trí thức, lao động, học sinh, sinh viên và ở nhiều độ tuổi tham gia sử dụng mạng xã hội. Số người dùng Zalo tại Lào Cai là 460 nghìn người, chiếm 59,7% dân số.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thắm ở tổ 8A phường Nam Cường cho biết: “Bản thân tôi sử dụng mạng xã hội thường xuyên. Mỗi nền tảng, tôi sử dụng với mục đích khác nhau. Ví dụ như để giải trí, đọc tin tức thì tôi sử dụng Facebook, TikTok; tham khảo tài liệu, phục vụ công việc tôi thường dùng YouTube, nhưng trao đổi công việc thì tôi sử dụng chủ yếu là Zalo".
Một ví dụ điển hình như trong thời gian phòng, chống cơn bão số 3 (Yagi), công tác thông tin, tuyên truyền thông qua mạng xã hội đã có tầm ảnh hưởng rất lớn. Thông tin được truyền tải nhanh chóng đến mọi miền Tổ quốc cũng như quốc tế. Thông qua việc tương tác, chia sẻ từ truyền thông đã kêu gọi được sự ủng hộ lớn từ nhân lực, vật lực hỗ trợ đồng bào vùng lũ, hỗ trợ tỉnh Lào Cai nhanh chóng khắc phục những khó khăn, đưa người dân vùng lũ trở lại cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông định nghĩa: Tin giả trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội.
Thông tin xấu, độc tán phát trên mạng là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống…; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát virus…
Tin giả có thể được tạo ra bằng nhiều phương thức tinh vi như làm giả tiếng, giả hình, giả video và xuất hiện dưới dạng video, clip ngắn trên YouTube, TikTok hoặc bài viết trên Facebook được trình bày giống như một tin báo chí...
Với số lượng người dùng lớn, bên cạnh những mặt tích cực từ việc truyền thông trên mạng xã hội, vẫn còn ẩn chứa những hiểm họa khôn lường về an toàn thông tin. Không gian mạng đã và đang là môi trường lý tưởng cho các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, gián điệp mạng, khủng bố mạng; môi trường để các đối tượng tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; lừa đảo trực tuyến gây tổn thất về kinh tế, tổn hại đến tinh thần của người sử dụng…
Chính vì vậy, việc rà soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý tin giả, tin sai sự thật được các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt. Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Công an tỉnh thành lập Tổ phản ứng nhanh theo dõi và xử lý thông tin trên không gian mạng; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý thông tin sai sự thật trên không gian mạng.
Điển hình như trong thời gian xảy ra bão lũ từ ngày 6/9 - 30/9/2024, các cơ quan chức năng Lào Cai đã xử lý 7 vụ tin giả, tin sai sự thật về phòng, chống bão lũ trên mạng xã hội. Ngoài ra đã phát hiện và chấn chỉnh kịp thời hàng chục tài khoản đưa thông tin chưa chính thức, thiếu kiểm chứng lên mạng xã hội về bão lũ. Các vụ vi phạm đều xác định được chủ tài khoản, đối tượng đăng tải thừa nhận hành vi, có cam kết và thực hiện gỡ bỏ các thông tin vi phạm; thực hiện đính chính thông tin trên trang cá nhân. Nội dung xử lý đã tạo được sự đồng tình ủng hộ của dư luận, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trên không gian mạng
Trước tình hình chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, công cuộc chuyển đổi số của quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ thì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Có thể thấy rằng, trong thời gian vừa qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn giữ vững và phát huy được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị khi tham gia hành động, phát ngôn trên môi trường mạng xã hội, tận dụng ưu thế của môi trường internet, mạng xã hội để tích cực tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng; chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Bám sát tình hình, nắm bắt tư tưởng, dư luận trong xã hội để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, hình ảnh tích cực, truyền đi thông điệp nhân văn, lan tỏa gương người tốt, việc tốt theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Đồng thời, rất nhiều cán bộ, đảng viên chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách chia sẻ, giải thích cho Nhân dân hiểu đúng bản chất của vấn đề, nhận thức được những chiêu trò, âm mưu, thủ đoạn của chúng, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, ngăn chặn và đẩy lùi những thông tin xấu độc, kiến tạo môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch trên không gian mạng. Chính những việc làm, hành động cụ thể của cán bộ, đảng viên nêu trên đã góp phần trực tiếp vào công cuộc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong sạch, văn minh trên không gian mạng và kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ những thông tin xấu độc, sai trái, thù địch.
Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trên không gian mạng, trong thời gian tới cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác truyền thông chủ động về các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thông tin tích cực, truyền thống văn hóa cách mạng; về những điều đảng viên không được làm… nhằm tăng sức đề kháng cho cán bộ, đảng viên.
Chú trọng tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, đảng viên, người lao động các quan điểm của Đảng về phát triển khoa học công nghệ và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới để cán bộ, đảng viên nhận thức rõ rằng, đe dọa trên không gian mạng là một trong những mối đe dọa thực tế và nguy hiểm nhất đối với an ninh quốc gia hiện nay; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật An ninh; các bộ quy tắc văn hóa, đạo đức, quan hệ và ứng xử xã hội trên không gian mạng.
Quan tâm nắm bắt, định hướng tư tưởng, thái độ, quan điểm của cán bộ, đảng viên khi chia sẻ, bình luận, đăng tải thông tin trên mạng xã hội.
Xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên đăng, chia sẻ, like các nội dung mang tính tiêu cực, sai sự thật, vu khống, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và người khác trên mạng xã hội.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội cần hướng đến mục tiêu là một trong những nguồn thông tin uy tín, tuyên truyền tích cực trên mạng xã hội. Xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn và lành mạnh bằng cách sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm - có văn hóa - đúng quy định phát huy các mặt hữu ích của Internet đối với đời sống xã hội; thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
Kiên định lập trường, tư tưởng vững vàng, nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, sáng suốt lựa chọn nguồn tin, chọn lọc nội dung, cẩn trọng khi tương tác trên mạng xã hội; có trách nhiệm tuyên truyền những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Bên cạnh đó, đối với các nội dung, vấn đề bản thân nắm chắc hoặc thuộc lĩnh vực chuyên môn, cần tích cực có các phản hồi để vạch trần những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng phản động.
Báo cáo kịp thời với cơ quan, lực lượng chức năng có thẩm quyền để xử lý những thông tin tiêu cực, sai sự thật, mang tính chất đả kích đường lối của Đảng và Nhà nước; nâng cao ý thức học hỏi, bồi dưỡng kỹ năng nhận diện các âm mưu, thủ đoạn tấn công mạng và các hình thái phát sinh trên không gian mạng.
Nâng cao ý thức phòng tránh, tự vệ và sử dụng biện pháp kỹ thuật để khắc phục hậu quả trong trường hợp bị tấn công trên không gian mạng…
Trên thực tế việc sử dụng mạng xã hội thiếu trách nhiệm sẽ tạo các thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, xã hội. Cho nên, việc sử dụng mạng xã hội chúng ta cần có trách nhiệm như ứng xử trong cuộc sống hằng ngày vậy.
Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ xuyên suốt, thường xuyên và lâu dài, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên cần được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình trên không gian mạng.