Từ năm 2020 đến nay bằng các nguồn vốn, tỉnh Long An đã thi công hoàn thành 4 công trình, với tổng chiều dài 7.940m, kinh phí thực hiện trên 959 tỉ đồng; 9 công trình đang triển khai thi công và chuẩn bị đầu tư với chiều dài 14.688m, kinh phí thực hiện trên 2.440 tỉ đồng.
Dự án Kè chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ven sông Vàm Cỏ Tây, thành phố Tân An là 1 trong 4 công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Công trình góp phần phòng, chống ngập úng do triều cường, chống xâm nhập mặn mùa khô, bảo vệ sản xuất nông nghiệp khu vực dự án với diện tích 331ha, khoảng 795 hộ dân với gần 3.980 nhân khẩu trên địa bàn Phường 5 và xã Hướng Thọ Phú, thành phố Tân An. Đồng thời, phòng, chống sạt lở bờ sông, kết hợp đê bao chống lũ, triều cường, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho dân cư ven sông, kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan du lịch cho thành phố Tân An, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển dâng.
Cuối năm 2022, tại xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, công trình xử lý sạt lở bảo vệ di tích lịch sử Miễu Ông Bần Quỳ cũng đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Qua đó, vừa góp phần phòng chống sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn cho người và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực di tích, vừa phục vụ nhu cầu tổ chức lễ hội hàng năm, tham quan du lịch của người dân đến khu di tích.
Các công trình được đầu tư, xây dựng góp phần nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phòng, chống sạt lở, xâm nhập mặn
Bên cạnh đó, các dự án khác như: Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc; Công trình Kè thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ cũng đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, góp phần phòng, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ an toàn cho 2.800 hộ dân vùng dự án. Các dự án, hạng mục công trình phòng, chống sạt lở bờ sông được đầu tư, xây dựng đã mang lại hiệu quả đáng kể trong việc nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, phòng, chống sạt lở, xâm nhập mặn, triều cường, ổn định đời sống dân cư, đồng thời chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mặc dù đã được các Bộ, ngành, Trung ương và UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ đầu tư rất nhiều công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ kênh nhưng tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch vẫn âm thầm tiếp diễn và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Trên địa bàn tỉnh Long An hiện vẫn còn nhiều điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm chưa được xử lý có nguy cơ đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; các khu vực sạt lở này chưa được bố trí vốn để khắc phục, xử lý triệt để. Trong đó, chủ yếu tập trung ở các huyện: Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, thành phố Tân An,...
Trên địa bàn tỉnh Long An hiện vẫn còn nhiều điểm sạt lở nguy hiểm đang cần nguồn vốn để khắc phục, xử lý triệt để
Do đó, tỉnh Long An đã kiến nghị Trung ương xem xét tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn để tỉnh thực hiện 14 dự án cấp bách phòng chống sạt lở bờ sông với tổng kinh phí gần 3.800 tỷ đồng, tổng chiều dài hơn 23.000m. Qua đó, nhằm chủ động nâng cao khả năng chống chịu do các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; đảm bảo ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Long An.
Hồng Lĩnh