Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một thực thể hoàn chỉnh, thống nhất về mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội, bao gồm toàn bộ các yếu tố lãnh thổ, dân cư, các giá trị văn hóa, lịch sử, quyền dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là bảo vệ cả hai mặt tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội trong một chỉnh thể thống nhất; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã khẳng định: “mục tiêu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”.
Lực lượng Hải Quân của ta ngày càng chính quy, tinh nhuệ
Trong 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và đặc biệt là hơn 10 năm thực hiện Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011), đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực. Tình hình đất nước cơ bản ổn định, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thử thách đan xen. Đại hội XIII của Đảng nhận định “tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt”.
Công nghệ thông tin và Internet hỗ trợ mạnh mẽ cho xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
Do tác động của đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng. Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh mẽ, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường
Bên cạnh đó, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch với các âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, như “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, can thiệp từ bên ngoài kết hợp gây mất ổn định từ bên trong, lợi dụng, kích động vấn đề dân tộc, nhân quyền, tôn giáo hòng chống phá ta trên các lĩnh vực, tạo dựng lực lượng chống đối nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng ta nhằm đạt được mục đích của chúng.
Tấn Hải